Cháy nhà máy và bất ổn chính trị tại Nga – Ukraina dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa, nguyên liệu thô làm gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thống kê của Resilinc đăng tải trên tạp chí của Hội đồng Các chuyên gia Quản trị chuỗi cung ứng theo dõi gần 8.000 sự kiện gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong nửa đầu 2022 chỉ ra các sự kiện gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng tăng 46% so với nửa đầu 2021.
Dữ liệu từ nền tảng Eventwatch của Resilinc dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đã thu thập thông tin và theo dõi tin tức về 400 loại gián đoạn chuỗi cung ứng trên hơn 100 triệu nguồn tin gồm: phương tiện truyền thông truyền thống, mạng xã hội, video, báo cáo chính phủ… Trong số các sự kiện xảy ra từ tháng 1 đến tháng 6, 54% các sự kiện đủ nghiêm trọng để tạo thành “war room” – nơi khách hàng và nhà cung cấp có thể giao tiếp và hợp tác để đánh giá và giải quyết các vấn đề này.
Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra các nguyên nhân hàng đầu gây gián đoạn cuỗi cung ứng vào 2022 gồm: cháy nhà máy, bất ổn chính trị, thay đổi sỡ hữu nhà máy… Theo đó, số vụ cháy nhà máy ghi nhận năm 2022 tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng kỷ lục được ghi nhận. Ngoài ra, những lỗ hổng về quản trị, vận hành chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động lành nghề trong các kho hàng cũng làm trầm trọng hơn các gián đoạn này.
Các sự kiện địa chính trị thúc đẩy sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine là yếu tố gây xáo trộn hàng đầu trong 6 tháng đầu năm. Các lệnh trừng phạt và ngừng sản xuất đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa và nguyên liệu thô chưa từng có. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, sự gián đoạn có nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm.
Ngoài ra, về mặt địa lý, khu vực Bắc Mỹ là nơi trải qua nhiều đợt gián đoạn nhất khi chiếm hơn 40% số cảnh báo về đứt gãy chuỗi cung ứng được đưa ra trong 6 tháng đầu năm.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm xuống mức 4.4% do những ảnh hưởng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, IMF còn dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng, “trung bình 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và 5,9% ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2022”.
Đại dịch tác động lên mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng dẫn đến lạm phát trong chi phí sản xuất, vận chuyển và tình trạng thiếu hụt lao động… Tỷ lệ lạm phát cao làm giảm tốc độ tăng trưởng có liên quan chặt chẽ đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Hồng Thảo (theo Supply Chain)
Nguồn: vnexpress.net