TP Hà Nội vừa kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng hình thức thu hồi khoảng 125ha đất tại hai xã Tân Minh, Phù Linh để thực hiện dự án trường đua ngựa Sóc Sơn, vốn đầu tư 420 triệu USD, tương đương gần 9.600 tỉ đồng.
Lễ hội đua ngựa Sa Pa năm 2020 từng thu hút hàng ngàn du khách đến xem – Ảnh: THANH TRÍ
Trước đó, dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa tại xã Tân Minh và xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (trường đua ngựa Sóc Sơn) đã được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 9-2019.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD, nhà đầu tư dự án là Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc).
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng trường đua ngựa, tổ chức hoạt động đua ngựa, tổ chức đặt cược đua ngựa, tổ chức đại lý đua ngựa bên ngoài đường đua, buôn bán nhập khẩu ngựa.
Thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, đơn vị có giấy phép sản xuất truyền hình trong nước, nhà đầu tư sẽ liên kết để sản xuất, xuất khẩu nội dung các chương trình đua ngựa thông qua 50 đại lý thuộc dự án ra quốc tế phục vụ phát sóng truyền hình.
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng về việc sử dụng đất để thực hiện dự án trường đua ngựa Sóc Sơn, UBND TP Hà Nội cho biết dự án đã được Sở Kế hoạch và đầu tư cấp phép từ tháng 10-2019.
Tổng diện tích đất xây dựng dự án khoảng 125ha, gồm: 99,5ha xây trường đua ngựa, 1,5ha xây khách sạn 3 sao, 0,5ha xây trung tâm thương mại và hội nghị, 1ha xây khu biệt thự cho thuê nghỉ dưỡng, và khoảng 22,5ha hồ điều hòa.
Khu vực đất nông nghiệp tại 2 xã Tân Minh, Phù Linh được quy hoạch để làm trường đua ngựa Sóc Sơn – Ảnh: THU HÀ
Tuy nhiên, sau gần 3 năm được cấp phép đầu tư, đến nay dự án trường đua ngựa Sóc Sơn không thể triển khai do gặp phải hàng loạt vướng mắc trong công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
Dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, do vậy theo Luật đất đai, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.
Như vậy, để thực hiện dự án cần có doanh nghiệp trong nước (tổ chức kinh tế) đứng ra nhận quyền sử dụng đất từ người dân hai xã Tân Minh, Phù Linh, và góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án.
UBND TP Hà Nội cho rằng việc thực hiện dự án đầu tư có quy mô lớn lên tới 125ha bằng hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Mặt khác, theo Luật đất đai hiện nay, dự án trường đua ngựa Sóc Sơn không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án trường đua ngựa Sóc Sơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết trường đua ngựa Sóc Sơn là dự án phát triển kinh tế – xã hội, do nhà đầu tư tư nhân thực hiện. Vì vậy, việc thu hồi đất làm dự án cần bảo đảm tối đa lợi ích của người dân có đất. Không nên áp dụng hình thức đền bù đất bằng tiền vì một vài trăm triệu/sào đất người dân sẽ nhanh chóng tiêu hết. Nên tính đến đền bù đất khu vực quanh dự án hoặc đền bù bằng nhà ở cho người dân mất đất, như vậy họ sẽ được hưởng nhiều hơn lợi ích kinh tế từ việc đầu tư dự án.
Doanh thu đua ngựa, cá cược đạt nhiều ngàn tỉ/năm
Theo tính toán của Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Công ty Global Consultant Network Co.Ltd, dự án trường đua ngựa Sóc Sơn sẽ có doanh thu khoảng 4.804 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.526 tỉ đồng/năm. Nguồn thu này chủ yếu đến từ hoạt động đặt cược đua ngựa, vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng.
Nguồn: tuoitre.vn