Đã gần 4 năm từ ngày có nghị định 98/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay vẫn còn đủ thứ vướng.
Nhiều chuỗi liên kết chưa thể nhận được hỗ trợ dù đã bỏ công sức để chuẩn bị hồ sơ. Trong ảnh: Nông dân TP Cần Thơ khoe cây lúa trong mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học – Ảnh: CHÍ HẠNH
Nguồn vốn ưu đãi khó tiếp cận, trong khi chúng tôi rất cần một chính sách hỗ trợ bền vững về nguồn vốn ưu đãi và cần sự kết nối đầu ra, nhưng mọi thứ đều chưa được.
Ông Nguyễn Tấn Phát
Cơ chế hỗ trợ của nghị định 98 rất ý nghĩa trong bối cảnh giá đầu vào leo thang. Nhưng nhiều địa phương không bố trí được tiền.
2 năm làm hồ sơ vẫn không được
Hầu hết các tỉnh đều đã có nghị quyết nhằm áp dụng nghị định 98 của Chính phủ. Tại Vĩnh Long, nghị quyết 220 vào cuối năm 2019 đã phê duyệt chính sách nhằm triển khai nghị định 98.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Phát – chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Mỹ Phước 1 (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) – cho biết chỉ sau một thời gian hội nông dân này trồng bưởi năm roi đặc sản theo mô hình VietGAP, bà con phải dừng mô hình. “Nguồn vốn ưu đãi khó tiếp cận, trong khi chúng tôi rất cần một chính sách hỗ trợ bền vững về nguồn vốn ưu đãi và cần sự kết nối đầu ra, nhưng mọi thứ đều chưa được”, ông Phát nói.
Tương tự, ông Dương Văn Thành – chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến (huyện Tam Bình) – cho biết thời gian qua đã nghe đến chương trình hỗ trợ của nghị định 98 và nghị quyết 220, nhưng sau gần 2 năm tốn kém biết bao nhiêu chi phí làm hồ sơ, trình UBND tỉnh nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Phòng kinh tế thị xã Bình Minh, hiện các địa phương không thể tự quyết định triển khai chính sách hỗ trợ theo nghị định 98 và nghị quyết 220. Vị này cho hay địa phương đã trình 2 hồ sơ theo nghị định 98 nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.
Khó áp dụng vì không có vốn
Báo cáo từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, đến nay chỉ có duy nhất mô hình khoai lang ở huyện Bình Tân được duyệt, còn rất nhiều hồ sơ khác được trình lên UBND tỉnh nhưng vẫn chờ.
Nguyên do mà chi cục này đưa ra vẫn là khó khăn do nguồn kinh phí nhà nước hạn hẹp, hoặc thậm chí không được phân bổ. Lý do nữa là vốn đối ứng được quy định đi kèm với nghị định 98 và nghị quyết 220 khiến nhiều doanh nghiệp và HTX tại Vĩnh Long không mấy mặn mà.
Ông Trương Thành Dãnh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, công nhận: để thực hiện hỗ trợ theo nghị định 98, hiện sở này vẫn đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn trực tiếp làm việc với Sở Kế hoạch và đầu tư để xác định nguồn vốn.
Còn tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh – xác nhận đến nay tỉnh này vẫn chưa có mô hình nào được hỗ trợ theo nghị định 98. Nguyên nhân là nông dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và… không có nguồn kinh phí riêng để thực hiện chính sách, chủ yếu là kinh phí lồng ghép.
Một trong những điểm ông Thiện cho biết khó khả thi là dự án liên kết thường thực hiện theo giai đoạn 3-5 năm. Trong khi đó việc quy định chi, hình thức chi và nguồn vốn chi dành cho việc hỗ trợ theo nghị định 98 thường được đăng ký, phân bổ vốn từng năm, dẫn đến việc giải ngân kinh phí khá khó khăn. Chưa kể việc sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động nên các doanh nghiệp, HTX ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân.
Tháo gỡ sớm để giúp nông dân
Ông Đoàn Văn Tài, chủ nhiệm HTX SX DV nông nghiệp Tấn Đạt, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là một trong những người đã làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo nghị định 98 nhiều năm nhưng chưa được. Theo ông Tài, không chỉ nghị định 98 khó triển khai, mà cả Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng ra quyết định số 1804 ngày 13-11-2020 đến nay vẫn… chưa thấy gì.
“Chúng ta cứ hô hào nông dân sản xuất hữu cơ, nhưng xin nói thẳng là nhiều người hô hào vẫn chưa hiểu hết sản xuất hữu cơ, chuyển hướng sản xuất sạch và áp dụng công nghệ cao thật sự khó như thế nào”, ông Tài nói.
Việc nhiều địa phương mời doanh nghiệp vào liên kết, bao tiêu nhưng “họ nói có hỗ trợ, thực sự họ chỉ chuyển giao phân bón vật tư trước rồi lấy tiền lại sau chứ có hỗ trợ được gì đâu… Khi doanh nghiệp không còn mua nữa thì nông dân bế tắc vì sản xuất theo kiểu của một doanh nghiệp, đem bán ra thị trường không ai mua”, ông Tài nói.
Do đó, ông Tài cho rằng việc giải quyết các vướng mắc ở khâu phân bổ vốn để áp dụng được nghị định 98, cũng như chương trình phát triển kinh tế tập thể là vô cùng cấp bách. Bởi vì chủ trương của nghị định 98 tốt hơn nhiều chương trình hỗ trợ trước đây. Đơn cử như chi phí hỗ trợ vật tư đầu vào của nghị định này lên đến 50%, rất cần trong thời điểm vật giá đang leo thang hiện nay.
Ông Nguyễn Phước Thiện đề nghị Bộ NN&PTNT có kiến nghị Chính phủ xem xét giảm quy định thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm xuống còn 3 năm, có hướng dẫn cụ thể về công tác giải ngân từng danh mục hỗ trợ, bố trí nguồn kinh phí riêng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều hỗ trợ lớn
Theo nghị định 98, chủ trì liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng.
Dự án liên kết cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỉ đồng.
Các bên tham gia liên kết còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện việc xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất…
Ngân sách cũng sẽ hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…
Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn địa phương khắc phục
Bộ NN&PTNT cho hay sẽ tháo gỡ để hỗ trợ nông dân theo nghị định 98 – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ông Thịnh cho hay sau hơn 3 năm thực hiện nghị định nhưng vẫn còn 6 tỉnh chưa trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 12 tỉnh chưa quy định phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết. Mới chỉ có 33/63 tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện liên kết.
Sau hơn 3 năm triển khai nghị định 98, các tỉnh mới phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết, trong khi cả nước có 2.038 chuỗi liên kết theo nghị định 98. Tính đến hết tháng 6-2021, mới bố trí 1.105 tỉ đồng để hỗ trợ.
Ông Thịnh cũng công nhận để thụ hưởng chính sách liên kết còn khó, nhất là việc yêu cầu các doanh nghiệp liên kết ổn định với sản phẩm hằng năm là 3 năm, sản phẩm lâu năm là 5 năm. Mức hỗ trợ cho trang thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng sản xuất chỉ tối đa 30% chi phí, tức các doanh nghiệp, HTX phải đối ứng tới 70% vốn.
Dự án liên kết phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng không có hướng dẫn nên mỗi địa phương làm một kiểu, phổ biến là lập hội đồng thẩm định nhằm chia sẻ trách nhiệm nếu dự án có rủi ro. Tuy nhiên, cách làm này làm chậm tiến độ.
Trước những vướng mắc trên, ông Thịnh cho hay Bộ NN&PTNT sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn khắc phục theo hướng bố trí nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp để hỗ trợ các dự án, kế hoạch liên kết theo nghị định 98. Có văn bản quy định các địa phương hằng năm phải bố trí từ nguồn vốn ngân sách và dành một tỉ lệ nhất định để triển khai thực hiện các dự án/kế hoạch liên kết trên địa bàn…
CHÍ TUỆ
Nguồn: tuoitre.vn