‘Siêu lừa’ Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm đã cấu kết với nhiều cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của 3 ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại tòa – Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 5-1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ngụ Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) và 24 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại phần thủ tục, theo thông báo từ HĐXX, có 2 bị cáo và nhiều bị hại, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) và 5 luật sư bào chữa, trong đó có luật sư của bị cáo Thành, vắng mặt.
Được hỏi ý kiến, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành xin hoãn phiên tòa vì luật sư của bị cáo vắng mặt. Nhiều bị cáo khác và một số luật sư cũng nhất trí với quan điểm này.
Sau khi hội ý, HĐXX do thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của các thành phần trên. Đồng thời, tòa cũng trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND Hà Nội điều tra làm rõ thêm hành vi của một số bị cáo và các tình tiết khác liên quan. Thời gian mở lại phiên tòa chưa được ấn định.
Các bị cáo tại tòa – Ảnh: DANH TRỌNG
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm đã cấu kết với nhiều cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng VN (PVcomBank).
Cáo trạng xác định: khoảng năm 2016-2018, Thành kinh doanh bị thua lỗ nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của nhiều người, cứ vay của người sau trả cho người trước. Thời gian đầu Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cả cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn.
Và qua các quan hệ xã hội, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng vay các ngân hàng với số tiền lớn nên nhiều cán bộ NCB, VAB đều xem Thành là “khách hàng VIP”.
Từ tháng 6 đến tháng 11-2018, Thành mất khả năng thanh toán và đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, PVcomBank, VAB và nhiều cá nhân.
Đầu tháng 10-2018, ông Đặng Nghĩa Toàn có ý định đấu giá dự án khu đô thị Đông Hương (TP Thanh Hóa) nên nhờ Thành và Nguyễn Thanh Tùng (giám đốc Công ty Jeongho Landmark) sử dụng Công ty MHD để lấy tư cách pháp nhân tham gia đấu giá nhưng không thành.
Biết ông Toàn có tiền, Thành đề nghị cho mình vay bằng hình thức gửi 52 tỉ vào PVcomBank và đưa sổ tiết kiệm cho mình. Ông Toàn đã gửi số tiền này vào ngân hàng chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỉ mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỉ mang tên vợ ông, rồi đưa cả 3 sổ cho Thành giữ.
Tiếp đó, Thành và ông Tùng làm giả hồ sơ mua bán thép giữa Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỉ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm trên.
Hai nhân viên ngân hàng là Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Thu Trà đã đưa hồ sơ cho Thành đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp 3 sổ tiết kiệm.
Từ sự thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng, “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành đã giả chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền PVcomBank.
Sau khi ngân hàng giải ngân hơn 49 tỉ vào tài khoản của Công ty Hoàng Nguyên, Thành đã rút toàn bộ số tiền này để chi tiêu cá nhân.
Cũng với thủ đoạn tương tự, tại Ngân hàng NCB, Thành vay của ông Toàn 50 tỉ bằng cách yêu cầu ông gửi tiền vào ngân hàng rồi đưa sổ tiết kiệm cho mình giữ.
Thành và Tùng sử dụng pháp nhân một công ty lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa với 2 đơn vị khác và vay tiền của ngân hàng với tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm của ông Toàn.
Thành tiếp tục giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn và được NCB giải ngân cho vay rồi chiếm đoạt 47,5 tỉ đồng.
Trong vụ án này, số vụ lừa đảo nhiều nhất với số tiền lớn nhất xảy ra tại Ngân hàng VAB với 21 vụ. Thành tiếp tục sử dụng thủ đoạn trên và một số thủ đoạn khác để chiếm đoạt số tiền lên đến 273,9 tỉ.
Đây là số tiền của hàng chục khách hàng gửi tiết kiệm tại VAB, Thành đứng tên đồng sở hữu hoặc mượn sổ, giả chữ ký rồi rút tiền hoặc sử dụng pháp nhân lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa để vay vốn và dùng sổ tiết kiệm là tài sản thế chấp.
Nguồn: tuoitre.vn