Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phát đi văn bản khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội…
Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, TP Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư số 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 25 (ban hành năm 2015) hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 20-1. Tuy nhiên khoản 2 điều 1 thông tư 20 chỉ còn quy định: Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 điều 16 nghị định 100 của Chính phủ.
Như vậy, “đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội” kể từ ngày 20-1-2022 sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.
“Quy định này của Ngân hàng Nhà nước không hợp tình hợp lý, gây bất lợi cho người hưởng chính sách nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, nhận định.
Theo ông Lê Hoàng Châu, việc Ngân hàng Nhà nước loại bỏ “đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” là có căn cứ pháp luật, vì đã căn cứ vào khoản 4 điều 50 Luật nhà ở 2014.
Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ riêng một khoản 4 điều 50 Luật nhà ở 2014 thì khoản 2 điều 1 thông tư 20 là đúng, nhưng Luật nhà ở 2014 còn nhiều quy phạm pháp luật khác quy định chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.
Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước không xem xét trên bình diện tổng thể các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, mà chỉ căn cứ vào khoản 4 điều 50 Luật nhà ở 2014, và không căn cứ vào các quy phạm pháp luật khác của Luật nhà ở 2014 là chưa đầy đủ, chưa toàn diện, không phù hợp với thực tiễn.
“Việc Ngân hàng Nhà nước không cho phép các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định cho vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội dẫn đến các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt thòi nhất”, ông Châu nói.
Theo HoREA, thực tiễn hơn 15 năm qua đã chứng minh, các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt, rất hiệu quả việc cho vay ưu đãi “để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở”, kể cả việc thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2013-2016.
“Vì vậy, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, để đảm bảo quy định trên thống nhất và phù hợp với các quy định của nghị định 100, nghị định 49 và Luật nhà ở 2014”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Nguồn: tuoitre.vn