Những ngày qua, lượng hành khách đi lại trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tăng cao. Theo thống kê, trong tuần tuyến đường sắt trên đón 10.000 khách/ngày, riêng thứ bảy và chủ nhật 15.000 khách.
Không phải giờ cao điểm, nhưng lượng khách đi tàu metro Cát Linh – Hà Đông khá đông đúc – Ảnh: PHẠM TUẤN
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào thời điểm 16h chiều 22-3, dù chưa tới giờ cao điểm, nhưng lượng khách đi trên tuyến metro đầu tiên của Hà Nội khá đông đúc. Có thời điểm toàn bộ khoang hành khách hết ghế ngồi, nhiều người phải đứng trong lúc tàu di chuyển.
Những người đi tàu đa phần là người già, học sinh, sinh viên đi học và người đi làm. Ngoài ra, có một số ít bạn trẻ cũng lựa chọn “đi thử” nhằm trải nghiệm, chụp ảnh “sống ảo” cùng tuyến tàu điện kể trên.
Nhà ở gần ga Yên Nghĩa (Hà Đông), làm việc ở số 12 đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), hằng ngày anh Đào Văn Hiếu (30 tuổi) lựa chọn tàu điện là phương thức di chuyển chính.
“Mình đi tàu từ lúc khai trương, thời gian đầu cũng có khá đông các bạn tới trải nghiệm tuyến tàu Cát Linh – Hà Đông này. Nhưng sau đó, lượng khách thưa dần, giờ cao điểm vẫn còn chỗ để ngồi. Tuy nhiên hơn một tuần qua, lượng khách tăng lên khá nhiều, bây giờ mới có 16h mà mình đã phải đứng vì không còn chỗ ngồi”, anh Hiếu nói.
Bà Vũ Thị Xuân (65 tuổi, quê Chương Mỹ) cho biết: “Thời gian đầu tàu hoạt động khá vắng vẻ, nhưng thời gian gần đây đã rất đông, ngày nào tôi đi làm về cũng ngồi chật ghế, may được các bạn trẻ nhường cho ghế ngồi, không thì tôi phải đứng”.
Cùng bạn tới tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông để chụp ảnh, trải nghiệm, Trần Minh Trang (21 tuổi, sinh viên) nhận định đa phần lượng khách đi trên tàu đều là “những người thực sự có nhu cầu”.
Hành khách xếp hàng để lên tàu – Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 22-3, ông Vũ Hồng Trường – tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội – cho biết hơn nửa tháng nay, lượng khách tăng cao, hơn 30% so với khoảng thời gian trước đó.
Ông Trường lý giải nguyên nhân lượng khách tăng là bởi tuyến đường sắt này đã đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường…
Ngoài ra, việc Hà Nội nới lỏng các hoạt động kinh doanh, văn hóa, du lịch, các khu vui chơi… đồng thời số lượng học sinh, sinh viên đi học trở lại tăng; cộng với giá xăng tăng cao cũng là một trong các yếu tố khiến khách lựa chọn tuyến metro là phương tiện di chuyển chính.
“Tỉ lệ hành khách sử dụng vé tháng trên tuyến vào giờ cao điểm chiếm 70%. Tính chung cả ngày, khách đi vé tháng sắp đạt 50%. Dự kiến, lượng khách sẽ tiếp tục tăng và mục tiêu là tăng gấp đôi số lượng khách trên đi tàu sau khi học sinh, sinh viên ở các trường đi học trở lại hoàn toàn”, ông Trường nói.
Ngoài những lý do trên, vị lãnh đạo Metro Hà Nội cho rằng hiện đa phần hành khách sử dụng tàu trên cao làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể tiếp chuyển loại hình xe buýt được kết nối rất tiện lợi ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Theo Metro Hà Nội, hiện có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có từ 8 – 9 tuyến buýt.
Metro Hà Nội cũng đã dán hệ thống tuyến xe buýt ở nhà ga để khi khách xuống sẽ biết đi các tuyến buýt kết nối.
Lượng khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông thời gian gần đây tăng lên hơn 30% so với thời điểm trước đó – Ảnh: PHẠM TUẤN
Nguồn: tuoitre.vn