Khan hiếm cát san lấp: Nguy cơ đình đốn công trình

Hàng loạt dự án giao thông, công trình xây dựng rơi vào tình trạng càng làm càng lỗ vì giá cát “nhảy múa”, tăng cao so với giá trong hồ sơ đấu thầu.

Khan hiếm cát san lấp: Nguy cơ đình đốn công trình - Ảnh 1.

Sà lan neo đậu dày đặc trên sông Tiền (đoạn xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) để chờ lấy cát – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngoài ra nguồn cát san lấp, xây dựng ngày càng khan hiếm. Từ đó nhiều công trình bị ngưng trệ, có khả năng không đạt tiến độ đề ra. Tình trạng này cần được tháo gỡ ra sao?

Mỗi cây số lỗ cả tỉ đồng!

Ngay tại buổi khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 (nối hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre) mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã lưu ý các địa phương cần rà soát các mỏ khoáng sản trên địa bàn để cung cấp đầy đủ, kịp thời cát cho dự án nhằm đảm bảo tiến độ.

Từ yêu cầu này, tỉnh Bến Tre đã tìm mọi cách để công trình giao thông trọng điểm này không rơi vào tình trạng thiếu cát. 

Ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đang tổ chức đấu thầu một số mỏ cát. Ngoài ra, trên dòng sông Ba Lai, các ngành chức năng của tỉnh đã khảo sát, thăm dò được hai mỏ cát có trữ lượng lớn. 

Theo ông Tam, đây sẽ là nguồn cát phục vụ cho những công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng đã cho phép doanh nghiệp nghiên cứu đề tài xử lý cát biển để phục vụ nhu cầu san lấp, xây dựng.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng chủ động được nguồn cát như tỉnh Bến Tre. 

Tại Vĩnh Long, nhà thầu một số dự án lớn đang thi công và sắp thi công như cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đường Võ Văn Kiệt, cầu Cái Cam 2, Trung tâm hội nghị tỉnh và Khu công nghiệp Đông Bình… đều gặp tình trạng càng làm càng lỗ vì giá cát, vật liệu… tăng cao và chênh lệch khá lớn so với giá trị hợp đồng ký kết.

Ông Đ.H.Đ., giám đốc một doanh nghiệp ký hợp đồng san lấp mặt bằng cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cho rằng giá vật liệu xây dựng tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp tham gia dự án giao thông lao đao, thua lỗ. 

“Khi ký hợp đồng san lấp mặt bằng cho công trình đường cao tốc, mức giá đấu thầu cát san lấp là 80.000 đồng/m3. Nhưng trên thực tế, giá cát đến chân công trình có lúc lên đến 250.000 – 270.000 đồng/m3

Theo tính toán, để hoàn thành đắp nền, riêng nguyên vật liệu cát để thi công và chi phí nhân công nhà thầu bị lỗ tiền tỉ cho mỗi km. Hơn nữa, do nguồn cung khan hiếm, dù giá tăng khá cao, nhiều thời điểm các nhà thầu cũng khó khăn để đưa cát, đá về công trình”, ông Đ. chia sẻ.

Khu công nghiệp Đông Bình (thị xã Bình Minh) rộng 350ha là một dự án lớn có vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng được UBND tỉnh Vĩnh Long trao chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư TNI Vĩnh Long (trực thuộc TNI Holdings Vietnam) từ giữa năm 2021. 

Theo quy định, phía TNI phải ứng kinh phí cho thị xã Bình Minh để xây dựng khu tái định cư rộng 9ha nhằm bố trí cho người dân trước khi thực hiện dự án khu công nghiệp. 

Tuy nhiên, một lãnh đạo thị xã Bình Minh nhìn nhận giá cát đá tăng rất cao đã ảnh hưởng đến việc triển khai dự án này. 

Trong khi đó, theo kế hoạch trong năm 2022 phải khởi công xây dựng khu tái định cư 390 nền cho người dân. Phía chủ đầu tư đang phải tính toán lại phương án tài chính rồi mới ngồi bàn lại với UBND tỉnh.

Tình trạng tương tự xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang. Ông Tr., lãnh đạo Công ty T.A., cho hay đơn vị ông chuyên làm cầu, đường và khu dân cư trong tỉnh An Giang hơn 15 năm qua nhưng năm 2022 là năm ông gặp nhiều khó khăn do cát khan hiếm.

Hiện nay, hồ sơ đấu thầu các tuyến đường lớn, nhỏ trong tỉnh An Giang đều ghi giá cát 70.000 đồng/m3 là trái với thực tế và tạo thách thức lớn cho các doanh nghiệp xây dựng. 

“Do đó, để có được dự án mà không thua lỗ thì doanh nghiệp phải kê chi phí vận chuyển, nhân công, chở cát, bơm cát và các chi phí khác lên cao để bù vào giá cát cao gấp đôi như hiện nay. Thế nhưng, bây giờ có tiền cũng chưa chắc mua được cát. Phải lanh trí và có mối quan hệ mới có thể mua được hàng”, ông Tr. nói.

Khan hiếm cát san lấp: Nguy cơ đình đốn công trình - Ảnh 2.

Sà lan xếp hàng chờ bơm cát vào nút giao công trình cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và đường tỉnh 908, đoạn qua huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long – Ảnh: CHÍ HẠNH

Bất hợp lý giá cát

Ông P. – chủ một doanh nghiệp khai thác cát tại An Giang – tiết lộ ông được cấp phép khai thác hai mỏ cát trên sông Hậu mấy chục năm nay nhưng chỉ bán theo giá nhà nước quy định là 70.000 đồng/m3 đối với các công trình lớn của tỉnh. 

“Còn lại thì bán ra ngoài làm cho các công trình khác có giá từ 120.000 – 150.000 đồng/m3. Hiện nay tôi bị tỉnh An Giang chỉ định cung cấp cát cho cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đối với các dự án này phải cung ứng theo giá nhà nước, không thể hơn được. Hiện nay cát khan hiếm không có giá 70.000 đồng/m3 đâu”, ông P. nói. 

Ông thông tin thêm: Ngay tại mỏ giá cát vẫn giữ nguyên mức giá khoảng 10 năm nay, chỉ khoảng 70.000 đồng/m3.

Tương tự tại Đồng Tháp, giá cát bán tại nơi khai thác từ năm 2019 đến nay không thay đổi. Cụ thể, giá cát san lấp tại khu vực sông Hậu là 40.000 đồng/m3, khu vực sông Tiền là 60.000 đồng/m3, giá cát đen xây dựng 100.000 đồng/m3, giá cát vàng xây dựng 115.000 đồng/m3.

Vậy vì sao giá cát khi đến các công trình lại tăng gấp 2 – 3 lần? 

Ông Vũ Văn Bình – trưởng phòng quản lý khai thác cát thuộc Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp – cho hay đơn vị có 16 giấy phép khai thác cát tại sông Tiền và sông Hậu với trữ lượng khai thác khoảng 6 triệu khối cát (năm 2021 và năm 2022). 

“Người dân phản ảnh giá cát trên 100.000 đồng/m3 là không đúng. Có lẽ họ mua cát qua trung gian chứ không mua cát trực tiếp của chúng tôi. Tuy nhiên, sản lượng cát của công ty cũng gần hết rồi. 

Do đó, từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị chỉ còn hơn 600.000m3 cát nên chúng tôi không bán ra ngoài, mà tập trung vào các công trình lớn của trung ương và tỉnh”, ông Bình nói.

Là doanh nghiệp chuyên xây lắp các công trình cầu đường tại TP Cần Thơ, ông N.V.Đ. lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng cát san lấp chênh lệch quá cao so với hợp đồng ký kết với chủ đầu tư bắt nguồn từ quá trình xây dựng giá đấu thầu. Phía tư vấn xây dựng giá đấu thầu bằng giá tại các mỏ cát. Thế nhưng đơn vị thi công thì không có quyền được lấy cát tại các mỏ này mà phải qua trung gian.

“Giá cát trong hợp đồng (tại mỏ) là 50.000 đồng/m3, bao gồm cả chi phí vận chuyển về tận công trình. Nhưng khi cung cấp cho đơn vị thi công thì buộc phải qua một trung gian khác, giá trên dưới 200.000 đồng/m3, trong khi xuất hóa đơn cho chúng tôi họ vẫn ghi 50.000 đồng/m3. Việc này khiến doanh nghiệp thua lỗ”, ông Đ. nói. 

Ông cho rằng các mỏ cát có lợi ích nhóm khi không cho các nhà thầu tiếp cận nguồn cung với giá trị đúng thực tế, mà buộc phải qua trung gian mua với mức giá rất cao. 

“Việc này ai cũng thấy và chúng tôi đề nghị thanh tra về giá tại các mỏ cát sẽ rõ ngay”, ông Đ. khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Cường – phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh An Giang – cũng cho rằng Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính để công bố giá vật liệu xây dựng (cát) trên cơ sở báo giá của các đơn vị sản xuất, cung ứng. 

“Việc các nhà thầu thi công phản ảnh giá cát mua thực tế cao hơn giá công bố của Sở Xây dựng nhưng chưa cung cấp bằng chứng cụ thể (bằng hóa đơn) để minh chứng, nhằm giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở xử lý doanh nghiệp cung ứng, kinh doanh cát xây dựng. 

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý các tổ chức kinh doanh không đúng theo giá cát xây dựng của mình đã kê khai và công bố”, ông Cường nói.

Còn ông Trần Ngô Minh Tuấn – giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp – cho hay UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cát san lấp tại công trình chênh lệch rất lớn so với giá đấu thầu là việc phát sinh thêm chi phí chờ (gồm chi phí khấu hao phương tiện, chi phí lương cho nhân công vận hành tàu, lãi vay…) từ lúc ký hợp đồng đến khi tiếp nhận cát là rất lớn. 

Và khó khăn lớn nhất trong việc tính chi phí này là xác định chính xác thời gian chờ. Thế nhưng chi phí phát sinh này chưa được Bộ Xây dựng quy định trong hướng dẫn xác định giá vật liệu đến nơi xây dựng công trình. 

“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến đơn giá cát san lấp đến nơi xây dựng công trình (do đơn vị thi công tính toán ban đầu) vẫn luôn thấp hơn so với đơn giá theo thực tế thị trường”, ông Tuấn giải thích.

Ông Tuấn cũng cho biết các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cát xây dựng, cát san lấp trên địa bàn tỉnh phải thực hiện kê khai giá bán bằng việc gửi thông báo mức giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi điều chỉnh giá. 

“Nếu tổ chức, cá nhân phát hiện đơn vị nào bán cát giá cao hơn giá đã kê khai thì báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền (Sở Tài chính) để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói thêm.

Khan hiếm cát san lấp: Nguy cơ đình đốn công trình - Ảnh 3.

Phương tiện đổ cát, lu lèn nền đường Võ Văn Kiệt, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – Ảnh: CHÍ HẠNH

Đưa giá cát “trên giấy” sát với giá thực

Ông Võ Quốc Thanh – giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long – nhìn nhận có tình trạng giá vật tư xây dựng chênh lệch lớn so với giá trong hợp đồng ký kết với chủ đầu tư. Các sở như Tài chính, Xây dựng cố gắng cập nhật thường xuyên, công bố giá vật liệu theo giá thị trường cho phù hợp với từng thời điểm, để từ đó xác định giá dự toán các gói thầu.

Riêng về các dự án đã triển khai thì các nhà thầu buộc phải thực hiện đúng tiến độ. Vì theo Luật đấu thầu, khi chủ đầu tư đưa ra giá dự toán thì đơn vị dự thầu có thời gian ngồi tính toán, trúng thầu giá nào thì làm giá đó.

Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển mở rộng các nguồn cát thay thế (cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng, cát nước lợ, cát biển…) theo nội dung chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó từng bước thay thế, giảm áp lực cho việc khai thác cát sông tự nhiên như hiện nay bởi trữ lượng cát còn không nhiều, không thể đảm bảo cung cấp lâu dài”, văn bản nêu.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: