Việc nhiều doanh nghiệp nhập rau chợ “phù phép” thành rau VietGAP rồi đưa vào siêu thị bị phanh phui là bài học, cần tiến hành tổng rà soát không chỉ việc nhập hàng hóa vào siêu thị.
Công nhân dán tem của Nông sản Trình Nhi với nội dung “Rau củ quả Đà Lạt” chuẩn VietGAP lên rau từ chợ đầu mối – Ảnh: BÔNG MAI
Các siêu thị đã chọn không mua trực tiếp nông sản từ trang trại mà mua qua nhà cung cấp vì nhiều lý do, nhưng có thể có lý do đẩy trách nhiệm cho nhà cung cấp nếu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP).
Rà soát lại các nhà cung cấp
Rau không rõ nguồn gốc được trà trộn, dán nhãn VietGAP là hành vi gian lận thương mại. Trách nhiệm với người tiêu dùng đầu tiên thuộc về siêu thị là đơn vị trực tiếp bán rau cho người tiêu dùng vì họ đã làm chưa tốt việc kiểm tra, giám sát hệ thống cung cấp của mình, tiếp theo là trách nhiệm của nhà cung cấp trước pháp luật nếu họ đã thực hiện hành vi gian lận thương mại.
Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi các nhà cung cấp còn lại của các siêu thị được nhắc đến có làm tốt không? Từ các vụ việc này, các siêu thị cần phải nhanh chóng rà soát toàn bộ các nhà cung cấp.
Việc gian lận, thường làm được một lần thì sẽ làm được những lần tiếp theo. Doanh nghiệp này làm được mà không bị phát hiện và xử lý thì doanh nghiệp khác cũng có thể làm theo để tăng lợi nhuận.
Câu hỏi cũng đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về ATTP nông sản, thực phẩm là các cơ quan này đã có đủ nguồn lực (nhân lực được đào tạo và kinh phí) để thực thi Luật ATTP?
Hơn nữa họ đã có kỹ năng, kinh nghiệm và đã làm hết trách nhiệm để kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật ATTP của các doanh nghiệp của chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chưa?
Tem VietGAP giả mua bao nhiêu cũng có
Việc cấp, quản lý chứng nhận VietGAP cũng còn lỏng lẻo. Vừa qua chúng ta đã xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) VietGAP cho các nông sản. Nhiều tổ chức được các bộ NN&PTNT, KH&CN cấp giấy phép đánh giá, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Giấy chứng nhận được coi là tấm giấy thông hành để đưa nông sản vào siêu thị. Tuy nhiên, các tổ chức chứng nhận đã đánh giá, chứng nhận và giám sát việc thực hiện của các trang trại như thế nào thì cho đến nay dường như không có ai “quản”.
Giống như sự cố đau lòng cháy quán karaoke ở Hà Nội và Bình Dương, khi sự việc xảy ra nghiêm trọng thì các cơ quan quản lý, chính quyền mới vào cuộc và tá hỏa khi có rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Việc cấp chứng nhận VietGAP và sử dụng tem VietGAP giả lâu nay đã không được kiểm tra, quản lý nghiêm túc dẫn đến việc tem giả tồn tại mọi nơi trong chợ đầu mối, ai muốn mua bao nhiêu cũng có để dán vào rau quả.
Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần khẩn trương tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các tổ chức cấp chứng nhận và các doanh nghiệp, trang trại, tổ chức thực hiện VietGAP cũng như việc sử dụng tem VietGAP trên thị trường.
Trong hệ thống bán lẻ, siêu thị là đơn vị mang hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, do đó siêu thị có quyền lực rất lớn trong việc chọn mua sản phẩm của đơn vị nào. Các siêu thị làm bài bản phải có bộ phận kiểm soát chất lượng (QC) để đi đánh giá các nhà cung cấp, có hệ thống quản lý chất lượng, giám sát quá trình sản xuất…
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần rà soát nguồn nhân lực về con người, trang thiết bị, phương tiện để xem hệ thống thanh tra, kiểm tra có thể kiểm soát đầy đủ hệ thống sản xuất thực phẩm chưa.
Nguồn: tuoitre.vn