Chính phủ đặt mục tiêu xây 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030 nhưng chỉ vài doanh nghiệp đăng ký đã có ngay con số lên đến 1,2 triệu căn.
Khu trọ công nhân tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: N.PHƯỢNG
Không ít doanh nghiệp khẳng định đất đã mua, tiền đã chuẩn bị, muốn làm nhà ở xã hội nhưng lại nản lòng trước cả rừng thủ tục.
Ngay tại hội nghị về nhà ở xã hội do Thủ tướng chủ trì hôm 1-8, các doanh nghiệp và cả Bộ Xây dựng cũng đã chỉ rõ những rào cản khiến doanh nghiệp chùn chân.
Trao đổi với chúng tôi, tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội cho thuê than “nhiêu khê quá, 3 năm trời chưa xong bước 1 của thủ tục hành chính”. Chẳng có lý nào để một dự án nhà ở thương mại chỉ qua 5 bước thủ tục, còn quy trình với nhà ở xã hội lại đến 8 bước.
Đó là chưa kể bước nào cũng thẩm định kéo dài, giá bán, giá cho thuê bao nhiêu cũng có hội đồng của Nhà nước thẩm định dù đây là tiền doanh nghiệp, đất doanh nghiệp mua.
Ngay cả khi doanh nghiệp xin chuyển dự án từ căn hộ thương mại sang làm nhà ở xã hội nhưng đã 5 năm vẫn chưa xong… thủ tục.
Luật quy định miễn tính tiền sử dụng đất với dự án nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp phải vác hồ sơ đi làm thủ tục tính tiền sử dụng đất rất rườm rà rồi mới được… miễn! Luật quy định doanh nghiệp được giảm thuế nếu cho thuê nhà ở xã hội, nhưng luật về thuế lại không có điều này.
Doanh nghiệp không những không được hưởng mà chậm nộp lại bị phạt nên ai cũng nói ưu đãi này như “chiếc bánh vẽ”. Chỉ điểm qua một vài thủ tục về đầu tư thôi đã thấy làm nhà ở xã hội quá nhiêu khê.
Chuyện bán được căn hộ nhà ở xã hội cũng gian nan không kém. Theo quy định, thu nhập phải dưới 9 triệu đồng/tháng mới được mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, công nhân chịu khó làm tăng ca vượt ngưỡng này thì lại rớt… “đối tượng” từ vòng giữ xe.
Thế mới có chuyện một doanh nghiệp đã xây 700 căn nhưng chỉ bán được 200 căn. Bởi cứ 10 người nộp hồ sơ mua nhà, có đến 9 người bị hội đồng thẩm định gạt vì thu nhập cao hơn ngưỡng.
Vậy nên dù đã dành ra 20% quỹ đất từ dự án thương mại để xây 15.000 căn nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp thấy quá gian truân chưa muốn làm.
Với quy định phải dành ít nhất 20% diện tích sàn của dự án để cho thuê và chỉ được bán sau 5 năm, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định cứng nhắc này khiến cho chủ đầu tư chậm thu hồi vốn nếu không tìm được người thuê, dẫn đến lãng phí…
“Cái cần gỡ ngay đó là cơ chế, rút ngắn ngay các thủ tục, thậm chí cho thực hiện song song thay vì đi từng bước như bây giờ.
Những điều vướng ở luật phải trình Quốc hội sửa, vướng ở nghị định, thông tư thì Chính phủ phải xắn tay vào gỡ rối. Cơ chế hanh thông, chẳng còn ai kêu gào như bây giờ”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản nói.
Rất nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ phải dành quỹ đất 20% để làm nhà ở xã hội khi làm nhà ở thương mại. Điều này dẫn đến căn hộ thương mại mọc lên như nấm, còn nhà ở xã hội chẳng thấy đâu dù đây là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết mới có 1.040/2.256 dự án nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội, hơn 50% số dự án đã làm ngơ hoặc chọn cách đóng tiền thay cho làm nhà ở xã hội.
Do đó doanh nghiệp cũng phải soi lại mình, phải có trách nhiệm với cộng đồng, đừng chỉ chọn phần lợi về mình mà lờ đi nghĩa vụ.
Nguồn: tuoitre.vn