Lạm phát trong khối Liên minh châu Âu (EU) năm nay dự báo sẽ đạt 6,8%, chủ yếu do chiến sự Nga – Ukraine và sự đình trệ của quan hệ kinh tế giữa Nga và phần còn lại của châu Âu.
Lạm phát lan khắp ngóc ngách châu Âu – Ảnh: REUTERS
Giá tiêu dùng đã tăng ở mọi ngóc ngách tại châu Âu khiến kỳ vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của các thành viên trong khối bị cản trở, trong khi người lao động thì “sấp ngửa” với muôn ngàn nỗi lo cơm áo.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế EU đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức do chiến sự Nga – Ukraine và chúng tôi đã giảm dự báo tăng trưởng của mình.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis
Lo làm không đủ ăn
Làm nghề lái taxi tại Klaipeda, thành phố lớn thứ ba ở Lithuania, anh Antanas Jonauskas cảm nhận rất rõ tác động trực tiếp của lạm phát đến cuộc sống hằng ngày.
“Với 1 đồng euro bây giờ, bạn còn chẳng mua được một bịch đậu phộng rang bé xíu để mà lót dạ nữa. Giá cả đang ngoài tầm kiểm soát và chẳng có hy vọng mong manh nào là nó sẽ sớm hạ nhiệt”, anh Jonauskas nói.
Công ty taxi của Jonauskas đã cho phép tăng giá cước, nhưng thu nhập của anh vẫn đứng y nguyên do nhiều yếu tố. Khách du lịch ngày càng ít, khách Nga và Belarus vắng bóng, trong khi những người Ukraine ở Lithuania thì lại phải đo đếm từng xu mỗi lần chi tiêu.
Viktoras, chủ tiệm bánh ở Klaipeda, trả lời tờ BNE IntelliNews cho biết anh không loại trừ khả năng lạm phát sẽ khiến anh phải đóng cửa tiệm bánh mà cha mẹ mình gầy dựng.
“Giá bột mì đã tăng phi mã cộng thêm sự gián đoạn nguồn cung lúa mì đang gây khó khăn cho thị trường. Thiệt hại ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga – hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất ở châu Âu – khiến chúng tôi thậm chí không biết vụ thu hoạch mùa thu tới thế nào”, anh thợ làm bánh nói.
Từ hàng tạp hóa đến điện nước đều tăng giá đang khiến người làm công ăn lương khó khăn hơn trong mua sắm.
Vytautas Snieska, giáo sư về kinh tế tại khoa kinh tế và thương mại Đại học Công nghệ Kaunas (Lithuania), cho biết trong bối cảnh giá chi trả cho những hàng hóa, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản như sưởi và thực phẩm đều tăng, những người có thu nhập thấp là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Đơn giản thế này, nếu trước đây họ đã chật vật để kiếm đủ tiền sinh hoạt phí thì với mức giá cao do lạm phát hiện nay, họ hết cách xoay xở”, chuyên gia Snieska nhận định.
Khi Tuổi Trẻ liên hệ để hỏi về lạm phát và giá cả sinh hoạt, chị Trịnh Tuyết Linh, sống ở Hà Lan, cho biết lạm phát ở Hà Lan cũng rất cao, 9,6% trong tháng 4-2022. Giá nhiều mặt hàng sản xuất công nghiệp đã tăng hơn 1/3 do giá nguyên liệu đầu vào như kim loại, giấy, phân bón… cũng tăng mạnh.
(Thống kê tháng 4-2022 của Eurostat) – Dữ liệu: HỒNG VÂN – Đồ họa: N.KH.
Năng lượng kéo giá cả tăng theo
1/3 các nước EU có lạm phát từ 10% trở lên, trong đó các nước ở khu vực Baltic như Estonia, Lithuania và Bulgaria có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất.
Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát hằng năm trong tháng 4-2022 ở Estonia đứng đầu toàn khối với 19,1%. Giá điện và giá gas ở quốc gia này tăng ở mức cao nhất trong toàn EU.
Cơ quan thống kê của Estonia cho biết trong tháng 4-2022 giá năng lượng tăng 38%, sau đó là giá thực phẩm, bia rượu, thuốc lá, hàng hóa và dịch vụ. Bên ngoài EU, tại Anh, lạm phát trong tháng 4-2022 của vương quốc này là 9%, mức cao nhất trong 40 năm.
Điểm chung của lạm phát tại các nước châu Âu, dù trong hay ngoài EU, là do giá năng lượng tăng – hậu quả của xung đột Nga – Ukraine.
Theo Eurostat, giá năng lượng chiếm hơn một nửa trong tỉ lệ lạm phát chung hằng năm ghi nhận ở mức 7,4% của châu Âu. Trong khi đó, năm 2021 lạm phát ở đây chỉ là 1,6%. Các biện pháp trừng phạt Nga và các biện pháp đáp trả của Nga cũng khiến giá xăng, dầu và gas tăng trên toàn cầu.
Ủy ban châu Âu (EC) dự báo nền kinh tế EU nói chung có thể chỉ tăng trưởng với tốc độ 2,7% trong năm nay, thấp hơn 1,3% so với ước tính trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và những ngân hàng trung ương khác của châu Âu đã phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát dù đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Tại châu Âu, khu vực đồng euro chỉ tăng 0,4% trong quý đầu của năm 2022, cho thấy khả năng suy thoái là có thật.
Trả lời báo Guardian, phó chủ tịch EC, ông Valdis Dombrovskis, cho biết chiến sự tại Ukraine làm tổn thương sự tăng trưởng kinh tế của EU.
“Yếu tố tiêu cực bao trùm là giá năng lượng tăng vọt khiến lạm phát tăng cao kỷ lục, gây căng thẳng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Âu. Dù EU sẽ vẫn tăng trưởng trong năm nay và năm sau nhưng mức tăng sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đây”, ông Dombrovskis nêu.
Nguồn: tuoitre.vn