Quá trình logistics ngược giúp doanh nghiệp tối đa hóa giá trị tài sản, tạo ra đầu mối để tái chế sản phẩm và nguyên liệu, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững.
Với việc các chuyên gia dự đoán lượng rác thải điện tử phát sinh hàng năm sẽ đạt 74,7 triệu tấn vào năm 2030, nhiều doanh nghiệp phải đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp giảm tác động đến môi trường, trong đó có logistics ngược.
Các công ty cũng đảm bảo tính bền vững trong hoạt động chuỗi cung ứng bằng cách tái chế, tân trang hoặc tái sử dụng hàng hóa, kéo dài giai đoạn “cuối đời” trong chu kỳ phát triển của họ, vốn ngày càng quan trọng cho môi trường.
Giải quyết rác thải điện tử
Logistics ngược là giải pháp tiềm năng để giải quyết rác thải điện tử. Với 53,6 triệu tấn rác thải điện tử được ghi nhận vào năm 2019, con số này sẽ tăng lên do tiến bộ công nghệ nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa và nhu cầu ngày càng tăng đối với thiết bị điện tử tiêu dùng trên toàn thế giới.
Các doanh nghiệp có quan hệ đối tác có thể tận dụng linh kiện, bán từ doanh nghiệp A cho doanh nghiệp B để tái định vị. Mục tiêu của logistics ngược là tối đa hóa giá trị tài sản, tạo đầu mối để tái chế sản phẩm và nguyên liệu. Quá trình này gồm cả sửa chữa các sản phẩm bị hỏng và sau đó bán với giá chiết khấu cao, tái chế vật liệu không thể hoạt động, cho phép các công ty tận dụng vật liệu từ các sản phẩm hư hỏng để sửa chữa các sản phẩm khác.
Ngoài các lợi ích về kinh tế, logistics ngược còn đóng góp đáng kể vào tính bền vững. Nền kinh tế vòng tròn thúc đẩy chu kỳ sống của sản phẩm dài hơn khi các mặt hàng được sửa chữa hoặc đóng gói lại, sau đó quay trở lại chuỗi cung ứng. Điều này mang lại cơ hội mua hàng tiếp theo, góp phần tránh gây lãng phí toàn cầu.
Tái chế có trách nhiệm
Rác thải toàn cầu dự kiến sẽ đạt 3,4 tỷ tấn vào năm 2050. Do đó, việc tái chế rác thải rất cần thiết để bảo vệ tương lai của môi trường. “Tái chế có trách nhiệm” là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi cân nhắc đưa logistics ngược vào chuỗi cung ứng đầu cuối. Giữa nhu cầu tiêu dùng điện tử ngày càng tăng nhanh chóng và hoạt động để tái chế hiệu quả, các doanh nghiệp cần áp dụng quan hệ đối tác để tái chế chi tiết hơn và dễ quản lý hơn. Việc làm này có thể được duy trì dễ dàng, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ hoặc ảnh hưởng tới môi trường.
Mô hình vòng tròn xanh là giải pháp thay thế nhất định để giảm các tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng. Nhận thấy khách hàng đã hiểu rõ hơn về tác động của logistics đến môi trường, việc kêu gọi các doanh nghiệp đưa logistics vào mô hình chuỗi cung ứng hoàn toàn có thể thực hiện được.
Các áp lực trên thị trường phân phối đang gia tăng cũng khiến các công ty xem xét cách tiếp cận logistics ngược để mang lại lợi thế về môi trường, kinh tế cho chuỗi cung ứng trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Nguồn: vnexpress.net