Chỉ số LMI, tổng hợp từ 8 yếu tố chính trong logistics, giảm hơn 6 điểm trong tháng 4 cho thấy lĩnh vực này đang tăng trưởng chậm lại.
Theo báo cáo mới nhất từ Logistics Manger’s Index (LMI), lĩnh vực logistics toàn cầu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong tháng 4, song với tốc độ chậm nhất trong 14 tháng.
Chỉ số LMI cho thấy lĩnh vực logistics toàn cầu tăng trưởng thấp nhất trong hơn một năm trở lại. Ảnh: FreightWaves
Logictics Manger’s Index là nhóm nghiên cứu gồm có các giáo sư, chuyên gia từ các trường đại học ở Mỹ trong lĩnh vực logistics kết hợp với Hội đồng các chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng (CSCMP).
Hàng tháng, đơn vị sẽ thu thập câu trả lời của hơn 100 chuyên gia về các chuyển động và xu hướng của ngành logistics thông qua 8 chỉ số chính bao gồm mức hàng hóa tồn kho, chi phí tồn kho, khả năng lưu kho, hiệu năng sử dụng kho bãi, năng lực vận chuyển, hiệu suất vận chuyển và chi phí vận chuyển.
Các chỉ số này được tổng hợp và thể hiện thông qua chỉ số chung LMI. Theo đó, nếu LMI ở trên mức 50 điểm sẽ cho thấy ngành logistics đang phát triển và ngược lại.
Tại thời điểm cuối tháng 4, chỉ số LMI dừng ở mức 69,7, giảm 6,5 điểm so với đỉnh kỷ lục 75,2 điểm hồi tháng 3. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống dưới mốc 70 điểm kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số LMI duy trì trên 70 điểm thể hiện sự tăng trưởng đáng kể của ngành.
Cụ thể, báo cáo nêu rằng năng lực vận chuyển của ngành logistics đang chứng kiến sự cải thiện, khi chỉ số này lần đầu tiên tăng trong gần 2 năm trở lại, thêm gần 11 điểm lên mức 56,9 điểm. Trong khi đó, chi phí vận tải có xu hướng hạ xuống, khi giảm gần 16 điểm so với tháng 3 xuống còn 73,9 điểm.
Theo nhà nghiên cứu Zac Rogers, Phó giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bang Colorado (Mỹ), chỉ số LMI giảm điểm trong tháng vừa qua có thể cho thấy thị trường đang điều tiết theo hướng bền vững hơn, với mức tăng trưởng vừa phải.
Mặc dù toàn ngành chung vẫn phát triển với tốc độ cao, nhưng ông cho rằng việc năng lực vận chuyển thu hẹp trong khoảng thời gian dài vừa qua là không hợp lý và sự chuyển dịch thị trường là điều khó thể tránh khỏi. Lần cuối cùng chỉ số năng lực vận chuyển tăng là kể từ tháng 5/2020.
Mặt khác, các chỉ số về hàng tồn kho và lưu kho trong LMI lại không có nhiều biến động, khi chi phí tiếp tục tăng cao mà khả năng lưu kho lại có hạn. Chỉ số mức tồn kho trong tháng 4 đã giảm hơn 3 điểm so với tháng trước xuống còn 72,3 điểm, chỉ số khả năng lưu kho tăng từ 36,1 lên 40,8 điểm. Trong khi, chi phí hàng tồn kho chỉ giảm nhẹ từ mức 91 xuống còn 87,7 điểm trong cùng kỳ.
Nguyên nhân chính được cho là từ việc chuỗi cung ứng toàn cầu đứt đoạn, khiến hàng tồn kho tiếp tục tăng lên và chi phí ngày càng trở nên đắt đỏ.
Lê Huy (theo DC Velocity)
Nguồn: vnexpress.net