Lợi nhuận ngành vận tải biển thăng hoa

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp vận tải biển tăng trưởng hai con số sau nửa năm, cán đích kế hoạch cả năm do giá cước vận chuyển neo cao.

Trong quý II, Công ty cổ phần Gemadept (GMD) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 334 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số lãi cao nhất của doanh nghiệp này kể từ quý II/2018. Sau 6 tháng, Gemadept đã hoàn thành gần ba phần tư kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Có mức lợi nhuận khá tương đồng, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dở Hải An (HAH) đạt lợi nhuận hơn 324 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Đây là mức kỷ lục tính từ quý III/2014 đến nay. Hải An cũng đã vượt kế hoạch lãi sau thuế cả năm khoảng 7% chỉ sau 6 tháng.

“Anh cả” Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines – MVN) cũng lập kỷ lục lợi nhuận kể từ khi công bố thông tin vào quý III/2018. Công ty thu về hơn 1.434 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 95% so với cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm, Vinalines hoàn thành hơn 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nhờ lợi nhuận tăng vọt, lỗ lũy kế của công ty cũng giảm gần 36% về còn hơn 2.600 tỷ đồng.

Sau nhiều quý kinh doanh thua lỗ, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco – VOS) bắt đầu “hồi sinh” từ giữa năm ngoái. Trong quý II/2022, công ty lãi sau thuế 260 tỷ đồng. Tuy chỉ tăng khoảng 7,5% so với cùng kỳ, đây vẫn là lợi nhuận quý cao nhất của Vosco trong vòng gần 14 năm qua. Công ty chỉ cách kế hoạch lợi nhuận cả năm khoảng 6%.

Ngay cả Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans – PVT), doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế đi lùi 16% do hụt nguồn thu tài chính và đầu tư đội tàu, hoạt động kinh doanh chính vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực. Lợi nhuận gộp công ty đạt hơn 440 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào quý I/2007. Lợi nhuận sau thuế giảm nhưng chỉ cách kế hoạch lợi nhuận cả năm khoảng 4%.

Giá cước vẫn neo cao là từ khóa chung được các doanh nghiệp lý giải cho mức lợi nhuận khởi sắc này. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tổng hợp số liệu từ Bloomberg cho thấy, chỉ số cước phí vận tải container thế giới trong quý II giảm từ khoảng 10.000 USD hồi đầu năm về quanh 8.000 USD mỗi container 40 feet, tuy nhiên vẫn cao hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020.

Cước phí vận tải đuổi theo nhịp tăng của giá nhiên liệu. Kể từ đầu năm, giá dầu thô Brent đã tăng gần 46%, lên tới trên 110 USD một thùng hồi cuối tháng 6. Nửa đầu năm có nhiều yếu tố thúc đẩy đà tăng của giá dầu. Yếu tố chính là xung đột địa chính trị Nga – Ukraine cùng với các biện pháp cấm vận của Mỹ, EU với Nga gây những tác động khó lường tới thị trường năng lượng. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn cung vì hoạt động phục hồi kinh tế trên toàn cầu cũng là nguyên nhân chính dẫn tới giá dầu “phi mã”.

Tuy nhiên cước phí vận tải container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ đã giảm mạnh từ đỉnh 21.000 USD xuống còn khoảng 8.000-11.000 USD. Giá cước hạ nhiệt trong khi chi phí đầu vào tăng cao được FiinGroup dự báo sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của nhóm ngành này trong nửa cuối năm. Kèm theo đó, rủi ro Trung Quốc có thể kéo dài chính sách zero-Covid có thể khiến sản lượng vận chuyển giảm.

Tất Đạt

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: