Nhờ đầy mạnh số hóa, lượng khách hàng của MSB đến nay đạt hơn 3 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tăng 66% so với năm 2019.
Đẩy mạnh số hóa là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh tổng thể của MSB. Theo đó, ngân hàng tập trung vào các phân khúc bán lẻ và SME, với mục tiêu trọng tâm là thực hiện số hóa các hành trình khách hàng, khai thác những sản phẩm, dịch vụ số tới khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Quá trình số hóa dựa vào công nghệ OCR, SmartCA để tự động hóa các tác vụ quản trị và xử lý dữ liệu, cho phép người dùng không chỉ thực hiện các giao dịch trực tuyến mà còn có thể đăng ký các khoản vay, tiếp cận dịch vụ quản lý tiền được cá nhân hóa một cách dễ dàng. Việc đăng ký vay cùng quá trình thẩm định, phê duyệt tại MSB được số hóa hoàn toàn, rút ngắn quy trình từ vài ngày xuống còn vài giờ hoặc vài phút.
Cụ thể, khách hàng cá nhân chỉ cần 5 phút để đăng ký khoản vay với hạn mức lên tới 100 triệu đồng mà không cần chứng minh thu nhập. Sản phẩm được đánh giá là một trong những bước giúp hoàn thiện hệ sinh thái cho giao dịch tài chính cá nhân, tạo nên một vòng khép kín từ bước mở tài khoản tới phát hành và quản lý sản phẩm tài chính như thẻ thanh toán, thẻ tín dụng hay khoản vay.
Với khách hàng doanh nghiệp, quy trình nộp hồ sơ trực tuyến chỉ gói gọn trong 4 bước: Đăng ký – Cung cấp hồ sơ – Nhận phê duyệt – Ký kết và giải ngân. Khách hàng có thể chủ động tra cứu hạn mức dự kiến được cấp chỉ trong 30 giây tại website do ngân hàng cung cấp, với hạn mức tín chấp lên tới 15 tỷ đồng. Thời gian phê duyệt khoản vay trong vòng 3 ngày làm việc.
Ngoài ra, mọi hoạt động giao dịch khác như theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ đăng ký vay, giải ngân, mở tài khoản, thanh toán quốc tế và mua bán ngoại tệ cũng được thực hiện trực tuyến, thay vì phải tới quầy.
Việc ứng dụng giải pháp tài chính số, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm khách hàng là cơ sở cho tăng trưởng lượng khách hàng của MSB. Tính đến nay, ngân hàng phục vụ hơn 3 triệu khách hàng cá nhân và hơn 64.000 khách hàng doanh nghiệp. Con số này năm 2019 ghi nhận 1,8 triệu khách hàng cá nhân và gần 45.000 khách hàng doanh nghiệp.
Đại diện MSB cho biết, trong 3 năm qua, ngân hàng đã nâng tỷ lệ “khách hàng muốn giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của MSB cho người thân” lên 25% thông qua việc tiếp cận đa kênh và tối giản hóa quy trình.
Nhờ đó, ngân hàng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2017 – 2021 đạt 136%. Số dư CASA của ngân hàng tăng từ mức 35,8% của cuối năm 2021 lên mức 38,3% tại thời điểm 31/3/2022. MSB ước tính sẽ giữ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi đến cuối năm đạt 38% – 40%, tiếp tục nằm trong top đầu thị trường. Hiện nay, lượng CASA từ khách hàng cá nhân tăng bình quân 400 – 500 tỷ đồng mỗi tháng, do vậy MSB có thể chạm mục tiêu sớm hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng Giám đốc MSB, số hóa cũng giúp ngân hàng tiết giảm chi phí đáng kể thông qua việc tối ưu hóa quy trình và đẩy mạnh chuyên môn hóa. Mục tiêu ngân hàng đặt ra là duy trì tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hàng năm đạt 20% – 30% đến năm 2024.
Trong thời gian tới, MSB tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án “Nhà máy số”, số hóa loạt hành trình cốt lõi như vay thế chấp, thẻ tín dụng…cho cả hai phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp. Về hoạt động hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi, ngân hàng tiến hành thay thế hoàn toàn hệ thống cũ bằng giải pháp Transact R21 hiện đại hàng đầu.
Tuấn Thủy
Nguồn: vnexpress.net