Trước đề nghị của các địa phương về việc tăng thêm nguồn điện mặt trời vào Quy hoạch điện 8 đang xây dựng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Quy hoạch điện 8 – Ảnh: VGP
Ngày 15-4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8).
Cho rằng đây là quy hoạch khó, vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: đặt nguồn điện ở đâu, vừa phải bảo đảm phụ tải, bảo đảm giá thành hợp lý, đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Do vậy, suốt 1 năm qua, Phó thủ tướng đã chủ trì hàng chục cuộc họp để hoàn thiện quy hoạch.
Đáng lưu ý là nhu cầu đăng ký rất lớn, đến năm 2030 khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt, nên không thể đáp ứng yêu cầu lớn như vậy.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thì cho rằng cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Vì vậy, cách tiếp cận của Bộ Công thương theo phương pháp tổng thể, vừa xuất phát từ địa phương, vừa cân đối toàn hệ thống, vùng miền, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.
Vì vậy, bộ trưởng mong muốn các địa phương chia sẻ cái khó với bộ, với Chính phủ vì phải vẽ bức tranh trên nền cũ. “Chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết thêm là so với các phương án trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than và thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.
Nêu quan điểm giữ nguyên tỉ trọng nguồn mặt trời ở mức hợp lý, Phó thủ tướng nói nhu cầu điện của nền kinh tế cao nhất không phải vào lúc có mặt trời mà vào khoảng 18h-22h tối, nên nếu không có các nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện thì không thể đáp ứng được. Trong khi ban ngày, phát điện mặt trời thì các nguồn điện khác phải giảm công suất. Nếu tích điện mặt trời để phát vào ban đêm thì giá thành tăng gấp 3-4 lần.
Do vậy, trước đề nghị của các địa phương về việc bổ sung vào quy hoạch nguồn điện mặt trời, Phó thủ tướng khẳng định cần “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết”. Mỗi địa phương phải xác định phát triển cho địa phương phải đồng thời phát triển cho đất nước, vì lợi ích nhân dân, “nếu phát triển điện cho địa phương nhưng phải vận chuyển điện đi xa thì giá thành sẽ cao, khi đó người dân lại phải gánh mức giá cao này”.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện 8 để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong tháng 4-2022.
Cắt giảm mạnh mẽ điện than, thay bằng điện gió, điện khí
Theo dự thảo, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trước. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW.
Do vậy, quy mô đầu tư theo quy hoạch giảm gần 2 triệu tỉ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000 MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỉ đồng. Nguồn điện được bố trí hài hòa, đảm bảo phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn.
Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Nguồn: tuoitre.vn