Ngày 1-8 giờ địa phương, Mỹ áp trừng phạt một loạt doanh nghiệp nghi giúp bán hàng chục triệu USD dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran sang Đông Á. Các doanh nghiệp này có trụ sở tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, UAE và Singapore.
Nhân viên tại một cơ sở hóa dầu ở Bandar Abbas, Iran – Ảnh: BLOOMBERG
Theo Hãng tin Reuters ngày 2-8, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tổng cộng 6 công ty: 4 công ty có trụ sở tại Hong Kong, 1 ở Singapore và 1 ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Công ty Thương mại công nghiệp hóa dầu vịnh Ba Tư (PGPICC), một trong những nhà môi giới hóa dầu lớn nhất của Iran, dùng các công ty này để bán dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu của Iran sang Đông Á.
Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt Công ty thương mại phụ tùng và thiết bị Blue Cactus (UAE), với cáo buộc giúp bán các sản phẩm dầu mỏ trị giá hàng triệu USD có xuất xứ từ Iran cho Công ty hóa dầu Triliance (Hong Kong). Triliance trước đó đã bị Mỹ trừng phạt.
Mỹ cũng nhắm đến 2 công ty Hong Kong là Farwell Canyon HK và Shekufei vì cáo buộc hỗ trợ chuyển tiếp các chuyến hàng trên đến người mua ở Đông Á.
Bộ Tài chính cáo buộc PGPICC sử dụng tài khoản ngân hàng của các công ty này, cùng với tài khoản của Công ty PZNFR Trading có trụ sở tại Hong Kong và Malaysia, để thu hàng triệu USD tiền bán hàng.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ xử phạt Công ty Pioneer Ship Management (Singapore) vì cáo buộc quản lý một tàu chở các sản phẩm dầu mỏ của Iran. Công ty Golden Warrior Shipping (Hong Kong) bị phạt vì các giao dịch nghi có liên quan đến dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ của Iran.
Các biện pháp trừng phạt của Washington bao gồm đóng băng tài sản tại Mỹ của các công ty trên, đồng thời cấm người Mỹ giao dịch với họ.
Phản ứng trước thông tin mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết Tehran sẽ đáp trả “một cách dứt khoát và mạnh mẽ” việc Nhà Trắng tiếp tục các lệnh trừng phạt.
Theo Reuters, đây là vòng trừng phạt thứ 3 liên quan đến Iran của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc trong 2 tháng qua.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng có thể đạt được sự đồng thuận cùng Iran để khôi phục Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA).
Các nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận trên cho đến nay đã thất bại, khiến Washington phải tìm cách khác để gia tăng sức ép lên Tehran. Theo thỏa thuận 2015, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế.
Nguồn: tuoitre.vn