Người bán cũng gác cửa thực phẩm bẩn

Không đổ lỗi cho nhà nông, không ỷ lại sự giám sát của cơ quan chức năng, có những tiểu thương, nhiều siêu thị chọn cách tự kiểm soát và sàng lọc nguồn hàng có thêm nhiều địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng mua thực phẩm an toàn.

Người bán cũng gác cửa thực phẩm bẩn - Ảnh 1.

Tăng kiểm soát từ gốc để cải thiện chất lượng nông sản về chợ tại TP.HCM – Ảnh: N.TRI

Không sạch không mua, không bán

Anh chị bán rau củ quả gần nhà tôi (TP.HCM) vẫn thường phân loại hàng. Rau củ quả “sạch” (trồng hữu cơ, không phân thuốc hóa học) để riêng, giá cao hơn nhưng vẫn có khách hàng vui vẻ chấp nhận và họ thường chỉ chuộng rau củ quả sạch. 

“Cái nào mình biết là sạch, hàng từ quê ra mình biết rõ cách họ trồng hoặc hàng công ty trồng theo chuẩn sạch thì mình nói thật với khách chứ không thể cái nào cũng nói là rau củ sạch để mời mọc khách mua cho bằng được” – chị bán rau vẫn thường nói vậy.

Nhưng được khoảng một năm thì cách làm này không thể duy trì vì nguồn hàng sạch không còn đều đặn, khi có khi không. Tiểu thương đứng bán lẻ như anh chị không thể duy trì thường xuyên, chẳng may ế hàng thì lỗ nặng hơn. 

Trong khi các thứ rẻ hơn (không cần biết nguồn gốc) thì đầy ở chợ đầu mối, dễ mua và dễ bán hơn với giá rẻ hơn. Mấy tháng sau, anh chị bỗng thôi bán rau củ. Một trong những lý do, như có lần chị nói, vì thấy ngán ngại thực tế rau quả ở chợ, đến mức mình mua về bán lại cũng thấy khó chịu trong lòng.

Dịch COVID-19 đến, anh chị dồn hết vốn mua một xe tải nhỏ về Hóc Môn, Long An mua rau quả tận vườn nhà người quen và giao tận nhà khách những bó rau, cọng hành, trái mướp tươi nhất, sạch nhất. Anh chị cung ứng rau cải cho các bếp ăn lớn trong mùa dịch trên địa bàn… 

Sau một năm, anh chị theo hướng mua rau và trái cây tại vườn, chỉ mua một số vườn, theo “giao kèo” rau trái phải sạch, có người tại địa phương lo thu hái và theo dõi quá trình trồng rau.

Hoàn cảnh giãn cách xã hội ngày dịch là cơ hội để anh chị mạnh dạn hơn và mở rộng cách làm này: không sạch không mua, không bán. Mua tại vườn, giá rẻ, người nông dân vui, người thành thị mua hàng cũng vui và an tâm hơn. 

Và khách hàng dần đông trở lại. Chị chịu khó rao hàng trên Zalo và sẵn sàng giao tận nhà từng bó rau, ký ổi, trái đu đủ… nên càng có thêm khách, cũng có nghĩa là thêm nhiều nhà được ăn rau trái kiểu nhà trồng. Và người nông dân cũng an lòng về đầu ra, trồng rau hữu cơ không lo bị ép giá, không lo ế tại vườn.

Cần thêm kênh “hàng sạch”

Vai trò nội trợ của các chị, các mẹ áp lực hơn. Làm sao tiền chợ không bị đội lên nhiều quá lại vừa phải đảm bảo chất dinh dưỡng, ngon miệng và an toàn?

Cô bạn tôi tìm đến một cửa hàng rau sạch để mua thực phẩm, nơi mà trước đó cô đã than giá “chát” quá, không đủ tiền mua thường xuyên. Đó là một cách “đối phó” cho tâm lý bất an trước mắt.

Phần lớn trong số những gia đình làm công ăn lương như chúng tôi không đủ khả năng mua thực phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến, hay thường xuyên mua thực phẩm hữu cơ siêu sạch. Ở các nước, thực phẩm organic chỉ dành cho một số nhóm như người có bệnh nền, người dị ứng… Vì với giá cả cao và nguồn cung cấp hạn chế, khó cho người dùng một cách đại trà.

Chợ đầu mối đã từ chối nhận trách nhiệm vì họ cũng chỉ là nơi tập hợp nông sản về. Chúng ta thả nổi quản lý từ vườn, từ trại, người dân trồng gì, bón gì đều không có quy trình, nhật ký rõ ràng. Vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là câu chuyện của vài bữa cơm mà còn là sức khỏe xã hội.

Câu chuyện thời sự mấy hôm nay, tiếp sau những con số là thêm một yêu cầu từ thực tế: cần nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhiều giải pháp để khuyến khích nhà nông trồng hàng nông sản sạch để người tiêu dùng bớt cái lo trong từng bữa ăn.

HẢI HƯỜNG

Đề nghị xử lý tình hình rau còn dư lượng hóa chất

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-7, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết cục đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy và hải sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề nghị xem xét và chỉ đạo cơ quan chức năng tại TP.HCM kiểm tra, giám sát chất lượng rau quả và thực phẩm tại TP.

Theo Cục An toàn thực phẩm, về phân cấp hiện hành các chi cục an toàn thực phẩm địa phương chỉ quản lý các ngành hàng theo phân cấp (thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, thực phẩm bổ sung vi chất…).

Riêng tại TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh có mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm toàn bộ những nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của ba bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, trong đó bao gồm cả rau quả.

Với phân cấp như trên, ban quản lý an toàn thực phẩm có thể tham mưu cho UBND TP, tỉnh nếu cần mở cuộc rà soát, kiểm tra rộng hơn về chất lượng rau củ quả, thực phẩm…

Về công bố chất lượng, quy định hiện hành nếu thanh tra, kiểm tra thì xử phạt xong phải công bố. Nếu khảo sát sau khi tổng hợp số liệu có thể công bố hoặc tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý mà không công bố kết quả khảo sát, tùy theo quyết định của đơn vị thực hiện.

L.ANH

Siêu thị: kiểm tra đầu vào hàng hóa

Trong nỗ lực cung cấp hàng hóa, thực phẩm tươi sống an toàn, các hệ thống siêu thị có cách thức kiểm soát chất lượng hàng hóa, sàng lọc nhà phân phối.

QD_CoopMart_XaLoHaNoi_3 1(Read-Only)

Người dân mua thực phẩm tươi tại hệ thống siêu thị TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

– Ông Lê Trường Sơn (phó tổng giám đốc Saigon Co.op):

Lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra

Chúng tôi luôn ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là những sản phẩm được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, chứng nhận của Bộ Y tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng chỉ ISO/HACCP, giấy đăng ký nhãn hiệu…

Về những mặt hàng rau củ quả, Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận an toàn, Vietgap, Globalgap về quy trình sản xuất rau an toàn, ký hợp đồng bao tiêu nông sản.

Siêu thị thường xuyên khảo sát trực tiếp quy trình sản xuất và các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa kinh doanh trong hệ thống. Nếu phát hiện hàng không đạt chuẩn sẽ loại trừ và đánh giá lại nhà cung cấp. Chúng tôi có xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động nhằm kịp thời kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại vùng nguyên liệu.

Trung tâm phân phối kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng và chất tẩy trắng… trước khi giao hàng đến các đơn vị trong hệ thống.

Tại các điểm bán lẻ, chúng tôi cũng có các thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào. Saigon Co.op cũng thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa tại các điểm bán để kiểm định.

– Ông Nguyễn Văn Quý (phó tổng giám đốc phụ trách chuỗi WinMart+):

Có chuỗi phân phối khép kín để kiểm soát

Chúng tôi đang đẩy mạnh kết nối với nhà cung cấp, nhà sản xuất, các vùng miền nuôi trồng tại địa phương nhằm xây dựng chuỗi phân phối khép kín, cung cấp hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất với giá tốt nhờ tiết giảm nhiều chi phí trung gian.

Việc này sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả kinh doanh ổn định và phát triển, cũng là động lực mạnh mẽ để chúng tôi ra mắt các mô hình cửa hàng, là cách chăm sóc khách hàng, phục vụ người tiêu dùng.

Chúng tôi không chỉ là một đơn vị bán lẻ mà còn đóng vai trò là nhà sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm với quy trình sản xuất khép kín, sản phẩm đầu ra chất lượng cao. Bên cạnh đó, hệ thống cũng tìm nguồn hàng và phát triển các nhãn hàng thực phẩm chất lượng cao với giá thành tiết kiệm nhất cho người dùng.

– Đại diện MM Mega Market Việt Nam:

Giám sát từ nông trại

Sức khỏe vẫn luôn là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm và ưu tiên hàng đầu.

Trong ngành hàng tươi sống và thực phẩm khô, để quản lý chất lượng sản phẩm, chúng tôi có chương trình “từ nông trại đến bàn ăn”, sở hữu nguồn cung cấp đáp ứng tiêu chuẩn nguyên liệu sạch, nhằm phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm khép kín, an toàn với hai thương hiệu riêng thực phẩm tươi sạch.

Các sản phẩm như thịt heo, thịt gà, cá, trứng và rau củ quả… đều được cam kết đảm bảo nguồn cung xanh sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng bằng quy trình giám sát từ khâu sản xuất, nuôi trồng.

N.BÌNH ghi

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: