Theo nguồn tin Tuổi Trẻ tại Bamboo Airways, chuyển động nhân sự mới nhất của hãng là sự thay đổi vị trí chuyển giao giữa nhà đầu tư mới và cũ để đảm bảo vận hành, phát triển của hãng sau cú ‘ngã ngựa’ của ông Trịnh Văn Quyết.
Trên thị trường hàng không, Bamboo Airways sở hữu đội tàu bay với gần 30 chiếc, khai thác 60 đường bay nội địa và 12 đường bay quốc tế, trong đó có chặng đến Anh, Đức, Úc – Ảnh: CÔNG TRUNG
Đại hội cổ đông bất thường của Bamboo Airways vào ngày 13-8 đã bầu bổ sung ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Nguyễn Mạnh Quân, ông Doãn Hữu Đoàn là thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) thay thế các thành viên đã miễn nhiệm.
Đồng thời, HĐQT Bamboo Airways cũng đã họp và thống nhất bầu ông Nguyễn Ngọc Trọng là chủ tịch HĐQT, ông Doãn Hữu Đoàn giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng là lãnh đạo đã gắn bó với Bamboo Airways từ ngày đầu thành lập, cũng là phó tổng giám đốc đầu tiên của Bamboo Airways từ năm 2018. Ông đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch Bamboo Airways từ tháng 4-2022.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dàn nhân sự mới của Bamboo Airways có mắt xích quan trọng với “chủ mới” của Bamboo Airways.
Trong vai trò phó chủ tịch thường trực, ông Lê Bá Nguyên là anh vợ của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, còn một nhân tố “bí ẩn” khác là ông Lê Thái Sâm có vai trò thành viên HĐQT của FLC lẫn Bamboo Airway.
Ông Lê Thái Sâm là cổ đông sở hữu hơn 125.000 cổ phần tại Bamboo Airways. Số lượng cổ phiếu này được thế chấp tại Ngân hàng LienVietPost Bank. Ông Sâm cũng từng lãnh đạo nhiều công ty liên quan đến đầu tư xây dựng, sắt thép. Những công ty này liên quan hệ sinh thái tập đoàn của đại gia quê Bắc Ninh hoạt động về lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf…
Nguồn tin cho hay nhà đầu tư mới đang tái cơ cấu hãng Bamboo Airways, tách hoạt động của FLC và Bamboo Airways không cùng chung một tập đoàn của FLC như trước, tức là nhà đầu tư đang hướng vào nắm quyền tại Bamboo Airways.
“Mọi hoạt động của FLC và Bamboo Airways đang tách ra, không cùng chung tập đoàn như trước nữa” – nguồn tin này cho hay.
Vốn điều lệ của Bamboo Airways tính tới năm 2021 là 18.000 tỉ đồng, do ảnh hưởng dịch bệnh hãng này lỗ hơn 2.300 tỉ đồng và đang dần “hồi sức” khi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, để thâu tóm Bamboo Airways, nhà đầu tư mới cần có tiềm lực và tham vọng trong lĩnh vực hàng không.
Trong lời chia tay được chia sẻ hôm 31-7, ông Đặng Tất Thắng, người lãnh đạo Bamboo Airways từ năm thành lập 2017, sau khi thôi mọi chức vụ tại FLC và Bamboo Airways, nguyên tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết ông đã hoàn thành nhiệm vụ “chiến đấu hết mình” và chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển giao Bamboo Airways với nhà đầu tư mới, đảm bảo được quyền lợi mới và cũ cũng như của Bamboo Airways.
Cuối tháng 3-2022, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, bị bắt tạm giam để điều tra các sai phạm liên quan đến việc thao túng thị trường chứng khoán. Hoạt động của Bamboo Airways đang được giữ nhịp trong quá trình tái cơ cấu, lựa chọn nhà đầu tư mới phù hợp, đủ năng lực để khai thác hàng không.
Hãng hàng không này cho biết đang có kế hoạch nhận thêm tàu bay từ nay đến cuối năm. Dự kiến đến năm 2028, hãng tăng số lượng đội tàu bay lên 100 chiếc. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bamboo Airways khai thác hơn 23.600 chuyến bay, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: tuoitre.vn