Đầu tư chứng khoán từng mang lại lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhưng kịch bản tích cực không xảy ra trong nửa đầu năm nay.
Đầu tư chứng khoán trở thành một phương án được nhiều doanh nghiệp phi tài chính lựa chọn để sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi, thay vì chỉ gửi ngân hàng như trước đây. Hai năm gần nhất khi chứng khoán lên ngôi, nguồn thu này trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp, thậm chí còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lợi nhuận. Nhưng kịch bản tích cực đã không xuất hiện trong nửa đầu năm nay, khi thị trường chung lao dốc.
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) là một ví dụ. Doanh nghiệp này từng là “ngôi sao” trên thị trường khi thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận từ chứng khoán. Năm ngoái, doanh thu hoạt động tài chính của NDN đạt hơn 200 tỷ, với trên 130 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán, gấp 6 lần cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này báo lỗ kỷ lục.
Theo báo cáo tài chính, NDN lỗ ròng hơn 114 tỷ đồng trong quý II, kéo lợi nhuận nửa đầu năm từ lãi thành lỗ hơn 90 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do thua lỗ chứng khoán.
Lãi từ đầu tư chứng khoán trong nửa đầu năm chỉ còn hơn 14 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi gần 73 tỷ) khiến doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 70%.
Trong khi đó, chi phí tài chính của NDN tăng hơn 4 lần, lên 121 tỷ đồng, do lỗ đầu tư chứng khoán và tăng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. “Thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả”, giải trình của NDN viết…
Không lỗ kỷ lục như NDN, song Công ty cổ phần Hóa An (DHA) cũng giảm lãi hơn 90% so với cùng kỳ do đầu tư chứng khoán.
Doanh thu của DHA quý II tương đương cùng kỳ 2021, với lợi nhuận gộp giảm gần 25% do ảnh hưởng từ biến động của giá dầu. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt khiến lãi ròng quý II chỉ còn chưa tới 2 tỷ đồng, so với 21 tỷ cùng giai đoạn năm ngoái. Nguyên nhân chính do chi phí tài chính tăng cao vì phải trích lập dự phòng với khoản đầu tư cổ phiếu HPG.
Cuối quý II, DHA nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu HPG với giá trị hơn 78 tỷ đồng, tuy nhiên công ty phải trích dự phòng hơn 20 tỷ đồng do thị giá mã này giảm mạnh.
“Trích lập dự phòng đầu tư tài chính” cũng là lý do được Công ty cổ phần Licogi 14 (L14) nhắc tới trong phần giải trình về kết quả kinh doanh giảm mạnh.
Quý vừa qua, doanh nghiệp hoạt động trong mảng xây lắp, bất động sản ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng hai chữ số. Doanh thu của L14 đạt gần 88 tỷ đồng, tăng 45% cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng tăng gần 17%.
Tuy nhiên, con số vài chục tỷ tăng thêm không đủ để bù cho chi phí dự phòng giảm giá đầu tư tới 370 tỷ đồng. Theo đó, chi phí tài chính của L14 trong quý II tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng, so với mức 65 triệu đồng quý II/2021. Con số này khiến L14 lỗ ròng hơn 346 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp này lỗ hơn 234 tỷ đồng.
Không riêng những công ty nhỏ dồn lực đầu tư cổ phiếu, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng chịu ảnh hưởng. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) quý II có khoản đầu tư cổ phiếu gần 200 tỷ tính theo giá gốc, trong đó có ba mã bất động sản.
Tuy nhiên giá trị hợp lý chỉ còn hơn 137 tỷ đồng, doanh nghiệp này phải dự phòng gần 63 tỷ đồng. Khoản này là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính của VHC tăng lên hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Khác với NDN hay DHA, hoạt động chính của VHC vẫn tăng trưởng mạnh. Doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 4.226 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sản lượng và giá bán tăng, “nữ hoàng cá tra” lãi hơn 788 tỷ đồng sau thuế, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ.
Minh Sơn
Nguồn: vnexpress.net