Nếu tính theo đồng USD, một nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tụt lại xa hơn so với Mỹ trong năm nay. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát nóng ở Mỹ.
Khoảng cách về GDP giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng lên do lạm phát cao của Mỹ và đồng nhân dân tệ yếu đi – Ảnh: AFP
Ngày 19-7, báo South China Morning Post đã đăng phần bàn luận của ông David Li Daokui – giáo sư tại Đại học Thanh Hoa và là cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc – tại một diễn đàn do Viện Nghiên cứu tài chính Sùng Dương tại Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức hôm 17-7.
Tại sự kiện này, ông Li nhận định mặc dù tốc độ tăng trưởng hằng năm của Trung Quốc được dự báo sẽ tốt hơn của Mỹ, nhưng khoảng cách 5.000 tỉ USD về sản lượng, sản phẩm và dịch vụ giữa hai nước có thể mở rộng nếu tính theo giá USD hiện nay.
Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng lên nhờ tỉ lệ lạm phát cao hơn, cùng với việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc yếu đi so với USD sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.
Ông Li cảnh báo khoảng cách kinh tế về mặt danh nghĩa như thế có thể sớm trở thành tiêu đề trên nhiều đầu báo ở phương Tây.
“Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần”, ông Li cảnh báo.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã có nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Song các tranh chấp thương mại, căng thẳng địa chính trị và các chính sách của chính Bắc Kinh đã đẩy nhanh suy thoái kinh tế, làm chậm tốc độ Trung Quốc có thể thay Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một số nhà phân tích cho rằng mức tăng trưởng kinh tế 0,4% của Trung Quốc trong quý 2-2022 cho thấy sự phục hồi sau COVID-19 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới kém ấn tượng hơn so với các đối thủ địa chính trị khác.
Dù vậy, ông Li nói Trung Quốc không cần quá lo lắng, ngay cả khi các cuộc thảo luận về khoảng cách GDP giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng ồn ào.
“Xét cho cùng, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia được tính toán bởi chính quốc gia đó, chúng ta nên tính toán trên cơ sở sức mua tương đương thay vì giá USD giao ngay. Các chỉ số cơ bản của Trung Quốc vẫn tốt”, vị giáo sư giải thích.
Năm 2022, các nền kinh tế phương Tây đang phải hứng chịu mức lạm phát tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Theo ông Li, các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ được các nền kinh tế phương Tây áp dụng để đối phó với tác động của đại dịch là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát quá nóng hiện nay.
Trong khi đó, vị chuyên gia này cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ khó có thể giảm giá mạnh hơn so với USD trong năm 2022, do thặng dư thương mại mạnh mẽ và thâm hụt thương mại dịch vụ của Trung Quốc giảm.
Nguồn: tuoitre.vn