Nhộn nhịp đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng thời kỳ hậu COVID-19 và quan hệ toàn cầu mới đã đem đến cho Việt Nam và các doanh nghiệp cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu chưa bao giờ lớn như hiện nay.

Nhộn nhịp đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 250 khách mời là lãnh đạo các cấp trung ương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và lãnh đạo các địa phương ở khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh…, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước – Ảnh: HỮU HẠNH

Thông tin trên được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đại biểu đưa ra tại hội thảo “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” chiều 15-9 tại Bình Dương do báo Tuổi TrẻCục Công nghiệp, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, khẳng định cơ hội để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu đang rất lớn thông qua những câu chuyện thực tế.

Đó là trường hợp một ngân hàng có tiếng toàn cầu đến tham quan nhà máy của một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã trầm trồ khen ngợi tại sao với quy mô dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại và hoàn toàn tự động mà lại ít ai biết đến.

Hay như mới đây, đầu tháng 8-2022, một đoàn doanh nghiệp lớn tại Úc tìm đến nhà máy cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của THACO Industries cũng đã bày tỏ sự bất ngờ vì các nhà xưởng, văn phòng… của doanh nghiệp Việt Nam được đầu tư, vận hành chuyên nghiệp như bất kỳ doanh nghiệp Úc nào. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn dịch chuyển và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam, hay Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) vừa xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, với dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Tập đoàn đa quốc gia Techonic Industries (TTI), chuyên về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Mỹ, Bắc Âu, cũng đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM. 

Tương tự, nhiều doanh nghiệp FDI khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam. Hay các doanh nghiệp Nhật cũng mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Nhộn nhịp đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: HỮU HẠNH

Tuy vậy, mặt bằng chung, các doanh nghiệp công nghiệp của chúng ta đa số với quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu về chất lượng, tính ổn định sản phẩm cũng như giá thành cạnh tranh… Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng. 

“Từ các câu chuyện được chia sẻ ở diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ 2022”, những người thực hiện thấy rằng để công nghiệp hỗ trợ trở thành động lực phát triển kinh tế cần rất nhiều yếu tố tạo thúc đẩy: từ chính sách đúng đắn đến những bước đi trong đầu tư, sản xuất vững chắc, nắm bắt nhanh những cơ hội của doanh nghiệp, sự ủng hộ của đông đảo chuyên gia, người lao động”, ông Chữ nhấn mạnh. 

Nhộn nhịp đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng - Ảnh 3.

Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết tỉnh đang triển khai nhiều kế hoạch để đón sóng dịch chuyển của ngành công nghiệp hỗ trợ – Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, vừa đón được làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, tỉnh định hướng xây dựng những khu công nghiệp khoa học công nghệ, các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua đề án “Thành phố thông minh”. 

Hiện Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Theo ông Minh, thực tế, thời gian qua, Bình Dương thu hút được nhiều dự án lớn trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội. 

Tuy nhiên, giống như thực trạng chung của cả nước, các doanh nghiệp địa phương còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình thế giới khiến nhiều ngành nghề bị thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng hơn. Hiện Bình Dương đã có khoảng 2.300 doanh nghiệp liên quan lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu. 

Nhộn nhịp đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng - Ảnh 4.

Ông Phil Kyun Choi, giám đốc dịch vụ kinh doanh Hàn Quốc – Ảnh: HỮU HẠNH

Cũng đồng tình về nhận định xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phil Kyun Choi – giám đốc phụ trách mảng điều hành doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam – nói rõ hơn sự dịch chuyển này đang đi từ Trung Quốc sang các nước khác trên thế giới như Indonesia, Philippines, bao gồm cả Việt Nam. 

Chẳng hạn, Samsung có nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, chiếm 60% tất cả sản phẩm của hãng bán trên toàn cầu. Những công ty nước ngoài ở Trung Quốc đã không nghĩ đến việc chuyển đi ngay cả trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng đã bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế, kể từ chính sách Zero-COVID và đặc biệt là việc phong tỏa Thượng Hải… 

“Việt Nam là điểm đến, dù vậy các doanh nghiệp này vẫn đang xem xét nhiều khía cạnh trước khi chuyển dịch từ Trung Quốc sang nước khác. 

Chẳng hạn, lực lượng lao động ở Việt Nam có sự cạnh tranh về chất lượng nhưng kém cạnh tranh hơn về số lượng, tức là 100 triệu dân của Việt Nam vẫn thấp hơn so với 1,5 tỉ dân Trung Quốc, Ấn Độ, và 280 triệu dân ở Indonesia. Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chi phí logistics của Việt Nam chưa cạnh tranh”, chuyên gia người Hàn Quốc lưu ý. 

Chương trình hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ tháng 7-2022, là giai đoạn 2 tiếp nối Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2019 do báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức.

Trong giai đoạn 2, Diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ” tập trung vào việc tìm giải pháp cho vấn đề thực trạng và gỡ khó để phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, câu chuyện liên kết các doanh nghiệp, liên kết vùng, cụm công nghiệp để phát triển nội lực, thúc đẩy Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ.


Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: