Xu hướng gọi đồ ăn trực tuyến nở rộ trong giai đoạn dịch COVID-19 đang tạo ra một hệ lụy lớn, đó là gia tăng chóng mặt lượng rác thải nhựa. Việc này có thể tạo ra sự tiện lợi trước mắt nhưng lại bỏ qua những nguy cơ lâu dài.
Shipper giao đồ ăn khách đặt online ở quận 1, TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, trong giai đoạn cách ly xã hội, 75% người dân sống ở Hà Nội và TP.HCM sử dụng dịch vụ mua đồ ăn online giao đến tận nhà. Vật liệu dùng trong ngành bao gói chiếm đến 64% và có thể tăng thêm.
Mang rác về nhà
Bạn đã từng gọi thức ăn về nhà và có thử đếm xem mình đang thải ra môi trường bao nhiêu rác thải nhựa không? Điều dễ thấy là mỗi suất thực phẩm/bữa ăn, các chủ nhà hàng sẽ đựng trong các loại hộp nhựa dày, thêm túi nilông vận chuyển. Sau một bữa ăn, thùng rác đầy ụ nhựa các loại. Cái giá phải trả cho sự tiện lợi này đã là quá lớn (chưa kể ảnh hưởng sức khỏe khi nhiều thức ăn nóng gói trong nhựa).
Trong và sau dịch, thói quen đi chợ online cũng được ưa chuộng hơn, thôn quê gửi rau củ thịt cá cấp đông chuyển tận nhà. Mỗi lần nhận hàng là một lần thải ra một “núi” rác.
Thật ra, xu hướng mua sắm trực tuyến đã được chuộng từ trước dịch. Thương mại điện tử đã đạt ngưỡng phát triển khắp thế giới. Khi mua sắm trực tuyến, người dùng có xu hướng mua hàng hóa ở nhiều cửa hàng, sáng chiều trưa tối cứ cần là đặt mua thay vì xách giỏ ra cửa hàng hoặc ghé chợ mua nhiều thứ cùng lúc.
Không chỉ có đồ ăn thức uống, mọi nhu yếu phẩm khác cũng đang được giao tận cửa. Thói quen mua lẻ tẻ, mỗi đơn hàng chỉ có một món và cách đóng gói hàng kỹ của người bán cũng gây lãng phí hộp và túi đựng không thể tái sử dụng.
Chung tay giảm rác
Các trang thương mại điện tử lớn ở các nước phát triển đã thay đổi để mua sắm online vẫn tiện dụng cho người dùng và ít tổn hại cho môi trường. Amazon quy định việc đóng gói hàng chuyển sang dùng 100% bao bì có thể tái chế được. Họ cũng khuyến khích khách hàng chọn giao hàng chậm nhưng ít hại môi trường, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay và luôn để cạnh tranh với nhau.
Các nhà sản xuất cũng có thể phối hợp với bên bán lẻ để hàng hóa của họ được vận chuyển cho người mua qua mạng bằng chính hộp đựng gốc, thay vì phải thêm một lớp đóng gói. Các đơn vị cung cấp cũng nên tìm các loại vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường hơn như sử dụng để lót thay cho màng chống sốc bằng nilông.
Người tiêu dùng có thể biến việc mua sắm online “xanh hơn” qua hai việc đơn giản sau: lên kế hoạch kỹ và gom nhiều món lại mua trong một đơn hàng; giảm chọn giao hàng nhanh (ngay cả khi miễn phí). Người mua cũng có thể yêu cầu bên bán hàng chọn cách đóng gói giảm rác thải, nhất là rác nhựa. Điều này có thể thực hiện tương tự khi chọn mua thức ăn giao tận nhà, chỉ cần bạn ghi chú hoặc nhắn tin trên nền tảng giao dịch.
Ưu tiên các mặt hàng, thực phẩm không cần tốn quá nhiều công sức cho việc đóng gói, bảo quản cũng như vận chuyển nên giá thành sẽ rẻ hơn, đảm bảo được chất lượng tươi ngon hơn. Nên ưu tiên giao hàng tiết kiệm, giảm các kiểu giao hàng nhanh cũng là cách giảm tiêu hao xăng dầu. Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ về kế hoạch sử dụng cũng như tính thiết yếu của món đồ mình sẽ mua để tránh lãng phí, nhất là trong thời điểm giá cả tăng cao. Nghĩ cho cùng mọi chi phí từ bao bì đến vận chuyển đều đánh vào túi tiền người mua trước khi gây hại cho môi trường.
Nếu có thể, bạn sắp xếp các thùng, giấy, túi chống sốc… lại và hoàn trả hoặc chuyển cho những người đang cần sử dụng thay vì bỏ sọt rác.
Những thay đổi từ bên bán
ProCi Food và một số chủ doanh nghiệp nhỏ đồng hành với các nông dân canh tác nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên như trang trại Tuy An, Thảo Lavie đã luôn kêu gọi các khách hàng gom túi giấy, thùng cactông, thùng xốp, hộp đựng trứng, màng bọc… để tái sử dụng.
Những nơi cung cấp sản phẩm khô, sinh hoạt gia đình như Sạp chàng Sen, Bí mật thực dưỡng… cũng thường nhận các túi nilông, túi vải, giấy… để giảm thiểu rác thải trong quá trình đóng gói và vận chuyển hàng. Một số tiệm sách như Kafka Bookstore, Tiệm sách những vì sao… cũng thường chia sẻ với khách hàng quy cách đóng gói và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tận dụng nguồn nguyên liệu đóng gói nhằm tối ưu hóa lượng rác thải và mức độ ảnh hưởng lên môi trường trong việc kinh doanh của họ.
Nguồn: tuoitre.vn