Chỉ 15 ngày của tháng 8-2022, ôtô nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc bất ngờ được các doanh nghiệp nhập khẩu bất ngờ tăng tốc đưa về Việt Nam gần 10.000 chiếc với giá trị hơn 206 triệu USD, tăng 67,9% so với nửa cuối tháng 7.
Nhiều hãng xe khuấy đảo thị trường tung ra loạt mẫu xe mới, kích thích sức mua của khách hàng Việt – Ảnh: CÔNG TRUNG
Thị trường ôtô trong nhiều năm qua thường “né” tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch), mua bán xe trở nên trầm lắng. Sau dịch, đứt gãy chuỗi cung ứng và khủng hoảng thiếu linh kiện phụ tùng, tháng Ngâu đã không còn là vấn đề đáng ngại với doanh nghiệp bởi số lượng xe vẫn thiếu để bán, khách hàng chấp nhận mua xe “kèm lạc”, tức mua chênh hàng triệu đồng so với hãng công bố hoặc mua thêm các gói phụ kiện bổ sung để có xe.
Nửa đầu tháng 8, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 9.906 chiếc, kim ngạch 206,25 triệu USD. Trong đó nhiều nhất là ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 8.840 xe, kim ngạch gần 147,6 triệu USD. Đây là số liệu mới của Tổng cục Hải quan ghi nhận lượng ôtô nhập khẩu được các doanh nghiệp nhộn nhịp đưa về Việt Nam.
So với nửa cuối tháng 7, lượng ôtô nguyên chiếc tăng tới 67,9% (tương đương 3.884 xe), trong khi so với cùng kỳ năm ngoái tăng 58,62% (tương đương 3.550 xe). Về thị trường nhập khẩu là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.
Nhiều hãng xe khuấy đảo thị trường tung ra loạt mẫu xe mới, kích thích sức mua của khách hàng Việt. Chẳng hạn, Toyota Việt Nam đưa về mẫu Avanza và Veloz Cross tạo nên sức nóng cho phân khúc MPV giá rẻ nơi mà Mitsubishi Xpander áp đảo.
MG đem về mẫu xe MG5, Volkswagen tung mẫu T-Cross và Polo Sport Edition. Audi đưa về Việt Nam mẫu xe Audi A8L và cái tên hoàn toàn mới e-tron GT thuần điện với giá bán dự kiến trên 6 tỉ đồng/chiếc…
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của ngành ôtô có nhiều khởi sắc, tuy nhiên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng dự báo trong thời gian tới, ngành vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc duy trì sự tăng trưởng do thiếu hụt linh kiện phụ tùng và chip bán dẫn.
Nguồn: tuoitre.vn