Saigontourist tiếp tục lỗ nặng

Saigontourist lỗ hơn 500 tỷ đồng vào năm ngoái khi doanh thu lùi về mức thấp kỷ lục do ảnh hưởng của Covid-19.

Năm ngoái Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) ghi nhận doanh thu hơn 1.140 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2020. Con số này thấp hơn mức trung bình giai đoạn 4 năm trước dịch đến 5,6 lần.

Lợi nhuận gộp Saigontourist lần đầu ghi nhận mức âm khi giá vốn vượt ngưỡng doanh thu. Trước đó, doanh nghiệp này vẫn có lãi gộp gần 46 tỷ đồng trong năm 2020.

Ngoài doanh thu và lợi nhuận gộp sụt giảm, Saigontourist còn gánh lỗ hơn 160 tỷ đồng từ 19 công ty liên doanh và liên kết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng hụt đi một phần lớn doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Tổng lại, Saigontourist lỗ sau thuế khoảng 534 tỷ đồng trong năm 2021, gấp gần một nửa so với năm 2020. Hai năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ đã bào mòn lợi nhuận lũy kế của doanh nghiệp này. Từ mức gần 2.370 tỷ đồng trước dịch, đến cuối năm ngoái con số này vơi đi gần ba phần tư.

Trong thư gửi đến cán bộ nhân viên hồi đầu năm, Chủ tịch Phạm Huy Bình cho biết năm 2021 là thời gian khó khăn đối với ngành du lịch thế giới và Việt Nam. “Saigontourist và các đơn vị trong toàn hệ thống bị ảnh hưởng lớn về kinh doanh, kể cả nguồn nhân lực do tính khốc liệt của Covid-19”, ông chia sẻ thêm.

Saigontourist là một trong những tập đoàn du lịch đa dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam do UBND TP HCM quản lý. Giai đoạn trước, doanh nghiệp này luôn báo kết quả lợi nhuận nghìn tỷ đồng.

Công ty này được biết đến nhiều nhất với thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Đây là đơn vị lữ hành trong nhóm dẫn đầu cả nước, kinh doanh tốt cả du lịch nội địa và quốc tế.

Ở mảng lưu trú, Saigontourist đang sở hữu và quản lý hơn 50 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên cả nước với trên 8.000 phòng ngủ. Trong đó, doanh nghiệp này có nhiều khách sạn nổi tiếng như Continental, Majestic, Grand, Rex, Caravell Saigon, New World, Sài Gòn – Morin Huế…

Ngoài lưu trú và lữ hành, Saigontourist còn kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, giải trí và đào tạo… Doanh nghiệp này nắm 60% vốn của Công ty liên doanh Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), 50% vốn Truyền hình cáp Saigontourist, sở hữu Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist…

Không chỉ mỗi Saigontourist, với tình trạng giãn cách xã hội kéo dài và nghiêm ngặt tại nhiều địa phương, năm 2021 là giai đoạn khó khăn chung của ngành du lịch. Tuy nhiên triển vọng ngành này đã dần được cải thiện từ cuối năm ngoái và sôi động trở lại khi Chính phủ mở cửa du lịch vào giữa tháng 3.

Chứng khoán KBSV dự đoán ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ phục hồi, tuy chưa thể như giai đoạn trước dịch. Khảo sát của VnExpress gần đây cũng cho thấy, nhiều công ty lữ hành đánh giá du lịch nội địa đạt tới 90% so với trước dịch và đã chốt được nhiều tour hè sớm với khách hàng.

Tất Đạt

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: