Cùng với chính sách để hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, sẽ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành nên một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh.
Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của doanh nghiệp trong nước – Ảnh: BCT
Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước” do báo Công thương tổ chức ngày 7-9.
Ông Phạm Tuấn Anh, phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng dù ngành công nghiệp đã có sự phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có một sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh để có giá trị gia tăng cao.
Trong khi đó, công nghiệp đang phát triển mất cân đối khi phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI, đóng góp của ngành công nghiệp nặng cho nền kinh tế rất là thấp. Việc sản xuất cũng phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, nên thiếu cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao.
“Quá trình phát triển công nghiệp vừa qua chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp” – ông Tuấn Anh đánh giá.
Từ thực tiễn sản xuất, ông Nguyễn Hữu Tú, thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cho rằng mặc dù tất cả các phân ngành của công nghiệp hóa chất cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu, song vẫn cần phát triển sản phẩm chất lượng cao, những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao để hướng tới xuất hẩu.
Theo ông Tú, ngoài các cơ chế hỗ trợ như thuế VAT với ngành phân bón, tạo mặt bằng các khu công nghiệp cho ngành sản xuất hóa chất, thì cần có cơ chính sách để doanh nghiệp hướng tới đầu tư phát triển xanh và bền vững. Gắn với cơ chế hỗ trợ về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tài chính, lãi vay.
Còn theo ông Đinh Quốc Thái, tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, dù ngành thép có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thép thành phẩm các loại, nhưng đến 90% cung cấp cho xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng lại có số lượng nhỏ.
Vì vậy, ông Thái đề nghị Nhà nước cần sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành thép gắn chính sách đặc thù, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, cấu kiện, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành khác. Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng thép nội địa, bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước.
Nhấn mạnh yêu cầu tự chủ trong sản xuất, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng việc lựa chọn các ngành để phát triển cần trên cơ sở thế mạnh. Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, cần phát triển các ngành sản xuất ra các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu….
Theo đó, bộ đang xây dựng dự thảo Luật Phát triển công nghiệp với các nhóm chính sách để hỗ trợ cho các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam mang tính trọng tâm, không dàn trải, tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên để dẫn dắt các ngành công nghiệp, ngành hỗ trợ đi theo.
“Sẽ có những chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp để khắc phục những điểm yếu cố hữu. Gồm hỗ trợ về vốn, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ về chuyển giao công nghệ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh” – ông Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như là xây dựng những chuỗi sản xuất công nghiệp. Gắn với phát triển thị trường. Như trong cái câu hỏi trước tôi cũng có đề cập đến bảo hộ thị trường trong nước và phát triển thị trường ở nước ngoài.
Nguồn: tuoitre.vn