Để thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ có thêm giải pháp nâng hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của công ty chứng khoán…
Hàng trăm mã cổ phiếu giảm mạnh, áp lực bán tháo khiến thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng giảm mạnh – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sáng nay (13-5) cho biết thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý.
Đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, căng thẳng địa chính trị Nga và Ukraine chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả năng lượng, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh…
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường có thể còn biến động mạnh.
Để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã họp với các thành viên thị trường, công ty chứng khoán tìm các giải pháp cả ngắn, trung hạn.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán.
Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư” – lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát để sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành như quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia; chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.
Đối với dòng vốn ngoại, để thu hút thêm sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi cũng đang tích cực triển khai dù việc nâng hạng phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường.
Về diễn biến giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua, đạt mức cao nhất là 1.528,57 điểm vào ngày 6-1.
Tính 3 tháng đầu năm, thanh khoản thị trường cổ phiếu tăng trưởng với giá trị giao dịch bình quân đạt trên 31.000 tỉ đồng/phiên, tăng 17,2% so với bình quân năm 2021.
Tuy nhiên, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm rất mạnh kể từ đầu tháng 4 đến nay. Phiên giao dịch ngày 12-5, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.238,84 điểm, giảm sâu hơn 60 điểm so với ngày 11-5.
Thanh khoản thị trường giảm liên tục, giá trị giao dịch bình quân tháng 4 chỉ đạt 26.299 tỉ đồng/phiên, còn những phiên giao dịch đầu tháng 5 đạt 18.916 tỉ đồng/phiên.
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1.950 tỉ đồng trên thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại trong 7 tuần gần đây với giá trị khoảng 7.600 tỉ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Nguồn: tuoitre.vn