Các cảng biển lớn trên thế giới bị quá tải do đại dịch và hậu quả chiến tranh, chưa có dấu hiệu trở lại bình thường trong vài tháng tới.
Theo báo cáo mới nhất về rủi ro vận chuyển hàng hóa năm 2022 của Allianz Global Corporate & Specialty SE (AGCS) – công ty con của Allianz, tình trạng tắc nghẽn tàu biển tại cảng container lớn nhất thế giới ở Thượng Hải sẽ tiếp tục gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều tháng tới. Trung Quốc duy trì chính sách “Zero Covid-19”, phong tỏa nhiều tỉnh thành phố lớn để tăng cường việc phòng dịch, làm gián đoạn kế hoạch chuyển sang trạng thái bình thường mới ở nhiều địa phương. Điều này đã làm tê liệt phần lớn hoạt động vận tải, logistic không chỉ tại đất nước tỷ dân mà cả toàn cầu.
Justus Heinrich, Giám đốc phụ trách bảo hiểm vỏ tàu tại AGCS toàn cầu cho hay, dịch Covid-19 có thể vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, nên không thể giải quyết được trong một sớm một chiều, mà sẽ mất ít nhất một đến ba tháng nữa để kiểm soát tình hình. Vì vậy, vận tải đường biển tiếp tục ở tình trạng tắc nghẽn cảng chưa từng có, khiến thuyền viên và nhân viên cảng phải chịu áp lực rất lớn.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp vận tải biển bị ảnh hưởng nặng nề do đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và các nước xuất khẩu châu Á có nguy cơ đối diện với việc hủy đơn hàng, hoặc phải chấp nhận cước phí tăng cao đột biến.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng cuộc chiến tranh Ukraine càng làm tình trạng quá tải tại các cảng thương mại quốc tế lớn trên thế giới hiện nay căng thẳng hơn. Các chuyên gia của Allianz nhận định, chiến tranh đã làm trầm trọng thêm các vấn đề giao hàng do đại dịch gây ra, tắc nghẽn tại các cảng và cả khó khăn trong việc tuyển dụng thủy thủ đoàn của tàu.
Nhiều con tàu đã bị mất tích trên Biển Đen, trong khi không ít tàu chở container hàng hóa khác đang mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine. Và một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga cũng tiềm ẩn rủi ro cho việc vận chuyển. Vì nếu dầu nhiên liệu trở nên khan hiếm sẽ tác động không nhỏ tới giá cước và hành trình của nhiều tàu. Thậm chí, các chủ tàu có thể buộc phải sử dụng nhiên liệu khác kém hơn, dẫn đến nguy cơ hỏng máy.
Chuyên gia Tư vấn rủi ro Anastasios Leonburg của AGCS cho rằng, rất khó để đưa ra dự báo về triển vọng ngắn hạn của vận tải biển do phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, các biện pháp mà chính quyền Trung Quốc thực hiện, cũng như tình hình chiến sự tại Ukraine, các đòn trừng phạt từ EU và động thái đáp trả từ phía Nga.
Ngoài ra, trong báo cáo của Allianz cho biết, tình trạng khan hiếm container rỗng vẫn kéo dài do khả năng vận chuyển đường biển đang bị hạn chế. Đó là lý do các công ty vận tải quốc tế lớn đã đặt hàng 7,5 triệu container mới.
Minh Lâm (Theo AGCS)
Nguồn: vnexpress.net