Khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa có hồi kết và thậm chí còn có thể trầm trọng hơn vào cuối năm nay, nhiều nước đang tìm cách ứng phó và đã tìm thấy “cơ” trong “nguy” để tăng cường xuất khẩu.
Kho ngũ cốc tại một nhà máy ở Ấn Độ – quốc gia đã hạn chế xuất khẩu đường, lúa mì để đối phó với thiếu hụt lương thực – Ảnh: REUTERS
Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) mới đây dự báo tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn vào quý 3 và 4 năm nay khi các nước như Ấn Độ, Serbia, Kazakhstan, Kosovo và Ai Cập siết chặt xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, sản xuất cũng chịu ảnh hưởng vì giá phân bón, thức ăn gia súc, nhiên liệu tăng cao do tác động từ xung đột Nga – Ukraine.
Cuộc khủng hoảng giá cả đặt ra nhiều thách thức ngay cả với những nước mạnh về lương thực như Thái Lan và Mỹ, nhưng cùng với đó cũng là cơ hội tăng thu nhập vì giá cao.
Nhiều đơn đặt hàng
FTI tin rằng ngành công nghiệp Thái Lan sẽ hưởng lợi trong bối cảnh này vì tình thế hiện nay đang đem lại nhiều đơn hàng hơn cho nước này. Bất chấp khủng hoảng, FTI kỳ vọng Thái Lan sẽ lọt top 10 quốc gia xuất khẩu các mặt hàng được ưa chuộng như thực phẩm từ thực vật và đẩy mạnh thực phẩm hữu cơ giá trị cao.
Sự tự tin này một phần vì Thái Lan có nền nông nghiệp đa dạng và tự chủ vốn được gầy dựng từ thời Vua Bhumibol Adulyadej.
Đánh giá của FTI là có cơ sở khi mà lượng xuất khẩu các sản phẩm từ khoai mì (sắn) của Thái Lan từ tháng 1 đến tháng 4-2022 đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, xuất khẩu khoai mì đem về cho Thái Lan 3,4 tỉ USD.
Hiệp hội đường Thai Sugar Millers Corporation dự báo xuất khẩu đường của Thái Lan sẽ tăng 40%. Xuất khẩu gạo của nước này cũng có thể đạt trên 8 triệu tấn trong năm nay, cũng là mức cao nhất trong 4 năm qua.
“Nếu có chiến tranh, cuộc khủng hoảng lương thực và chuỗi cung ứng tiếp diễn, giá lương thực vẫn cao thì điều đó có lợi cho chúng ta. Thái Lan ít có khả năng bị ảnh hưởng vì thiếu hụt lương thực như các nước khác vì chúng ta là nhà bếp của thế giới” – báo South China Morning Post dẫn lời ông Sirivuthi Siamphakdee, cựu phó chủ tịch Hiệp hội đường Thai Sugar Millers Corporation.
Trong khu vực Đông Nam Á, sau cuộc “khủng hoảng cơm gà” tại Singapore do Malaysia cấm xuất khẩu gà để đảm bảo nguồn cung trong nước, Indonesia đã gấp rút chuẩn bị thế chỗ để đáp ứng nhu cầu của đảo quốc sư tử với khả năng xuất gần 4 triệu con gà mỗi tháng. “Hy vọng xuất khẩu sẽ bắt đầu trong 2 tuần nữa, nếu đợi thêm vài tháng chúng ta sẽ mất đà” – ông Achmad Dawami, lãnh đạo Hiệp hội các nhà chăn nuôi gia cầm Indonesia, nhận định.
Chuẩn bị để đón cơ hội
Rõ ràng để tận dụng cơ hội thì cần có sự chuẩn bị. “Các nhà máy thực phẩm Thái Lan đã chuẩn bị các nguyên liệu thô cho chế biến thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thực phẩm toàn cầu”, báo Bangkok Post dẫn lời ông Kriengkrai Thiennukul – chủ tịch FTI.
Ngày 22-6, FTI và các chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ bỏ hạn chế với các hóa chất dùng trong nông nghiệp như thuốc diệt cỏ, trừ sâu để đẩy mạnh sản xuất. Còn với Indonesia, họ sẽ phải học hỏi kinh nghiệm trong vận chuyển gà sống theo yêu cầu của Singapore vì trước nay doanh nghiệp của họ chủ yếu xuất khẩu gà đã làm thịt.
Tại Mỹ, sự thiếu hụt nguồn cung và tăng giá của lúa mì có thể đem lại nguồn thu lớn cho các nông dân. “Nếu làm tốt, họ sẽ có thêm một khoản đáng kể so với các năm gần đây” – tờ Observer dẫn lời chuyên gia về hệ thống lương thực toàn cầu Chris Barrett của Đại học Cornell.
Nhưng đi kèm với đó là giá nhiên liệu, phân bón cũng tăng. Theo các chuyên gia Mỹ, nông dân nước này cần áp dụng công nghệ và đổi mới để cải thiện sản xuất, trong khi chính phủ cần hỗ trợ nông nghiệp về tài chính và các khía cạnh khác. Hồi tháng 5-2022, Chính phủ Mỹ cũng đã cho phép nông dân trồng trọt trên một số khu vực đất bảo tồn để tăng sản lượng lương thực.
Bài học từ khủng hoảng năm 2008
Thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 và bài học rút ra từ đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là “đừng làm thị trường hoang mang. Hãy cẩn thận với bất cứ điều gì bạn làm đối với nhập khẩu gạo, xuất khẩu và các biện pháp kiểm soát” – chuyên gia Peter Timmer của Đại học Harvard nói với Hãng tin Bloomberg, đặc biệt nhấn mạnh các nước châu Á vốn là vựa lương thực của thế giới.
Theo ông Timmer, các biện pháp chống “sốc” của những nước sản xuất lương thực có thể khiến cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ. Ngoài ra, một số bài học từ cuộc khủng hoảng 2008 là cần đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và tài chính trong nông nghiệp, áp dụng cách tiếp cận mới như phân phối lương thực từ chỗ dư thừa sang nơi thiếu hụt, giúp các nước nghèo mua được thực phẩm.
Nguồn: tuoitre.vn