Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi sinh viên là một sứ giả của đất nước

Chiều 15-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ thân tình với trí thức Việt kiều và thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi sinh viên là một sứ giả của đất nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các du học sinh – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí thân tình và thẳng thắn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành gần hai tiếng để trao đổi, chia sẻ và giải đáp cặn kẽ các câu hỏi của các thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi sinh viên là một sứ giả của Đất nước

Đỗ Triệu Hải, sinh viên ngành chính sách công, Đại học Columbia, đặt câu hỏi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề làm thế nào thu hút chất xám, tạo điều kiện cho các du học sinh trở về để làm việc trong các khu vực công cũng như tháo gỡ trong việc chuyển bằng cấp giữa trong và ngoài nước.

Giải đáp câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thẳng thắn: “Khi tôi còn làm trưởng Ban Tổ chức Trung ương, tôi rất muốn tuyển những sinh viên xuất sắc vào làm việc, đặc biệt trong khu vực công. Nhưng có một cái khó đó là việc chuyển đổi bằng cấp giữa nước ta và các nước còn nhiều bất cập”.

Thủ tướng cho rằng để giải quyết vấn đề này cần phải có sự đồng ý của nước cấp bằng. Thực tế là có nước, họ cấp một cái bằng nhưng giá trị tương đương với bằng các nước khác. “Chính phủ đang tập trung làm để thuận lợi cho anh chị em học bất cứ trường nào tương đương với hệ đào tạo của họ. Tất nhiên cả quá trình phải có đánh giá, xếp hạng cho phù hợp. Trên cơ sở đó hai bên công nhận bằng cấp lẫn nhau”, Thủ tướng cho hay.

Còn việc làm sao tuyển dụng nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, theo người đứng đầu Chính phủ, phải giải quyết hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là lợi ích về vật chất và tinh thần của người đi làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi sinh viên là một sứ giả của đất nước - Ảnh 3.

Sinh viên Đỗ Triệu Hải đặt câu hỏi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

“Vật chất là làm sao để đủ sống, còn tinh thần là sự thoải mái về môi trường làm việc, sự chia sẻ giúp đỡ trong công việc. Vì vậy, chúng ta phải nghĩ cách làm sao có thể vật chất chưa đáp ứng ngay nhưng tinh thần, môi trường làm việc phải đảm bảo minh bạch, công bằng” – Thủ tướng nói.

“Về vật chất, hiện nay các chế độ chính sách lương theo quy định chung. Chính phủ đang cố gắng làm sao lương đảm bảo nâng cao đời sống của người làm trong nhà nước. Gần đây có chủ trương cải cách tiền lương từ năm 2020 nhưng do dịch ảnh hưởng nên phải dừng lại. Khi dịch đã kiểm soát có thể sẽ nâng lương trong những năm tới đây” – Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định: dù bạn có làm ở đâu, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, thì điều quan trọng là lúc nào bạn cũng nghĩ đến quê hương đất nước. Dân giàu thì nước mạnh, mà nước mạnh thì dân mới giàu. Làm sao nâng cao được năng lực, phẩm chất, đóng góp dù ở bất cứ nơi nào; quảng bá hình ảnh của Việt Nam như là một đại sứ ở nước sở tại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi sinh viên là một sứ giả của đất nước - Ảnh 4.

Thủ tướng: “Thời chúng tôi về có việc làm đã là quý lắm rồi, phải mất nhiều thời gian mới tìm được việc làm. Khi đất nước còn trong nền kinh tế quan liêu, bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, điều kiện hết sức khó khăn. Còn bây giờ quan trọng là năng lực, ý chí của mình như thế nào. Những người tài năng bao giờ cũng được lựa chọn” – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bạn Hoàng Minh Khuê, tốt nghiệp ngành hành chính công, đặt câu hỏi cho Thủ tướng về tiến trình mục tiêu cụ thể để hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cũng như quy hoạch điện than.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân… Biến đổi khí hậu tác động toàn dân nên phải đặt người dân làm trung tâm. Người dân phải tham gia vào chống biến đổi khí hậu.

Thứ hai, chúng ta là nước còn khó khăn, là một trong năm nước chịu tổn thất nhiều nhất trong biến đổi khí hậu nên cũng cần phải đòi hỏi sự công bằng trong tiến trình thực hiện. “Chúng ta là nước nghèo nhưng phải làm việc như nước giàu, do vậy tôi cũng đề nghị các nước phát triển hỗ trợ về thể chế, tài chính để hiện thực hóa lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Thủ tướng nói.

Một du học sinh học ngành xây dựng tại Mỹ gửi đến Thủ tướng tâm nguyện về một cơ chế thu hút các kỹ sư người Việt Nam học ở nước ngoài tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam để giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

Thủ tướng cho biết hiện đường sắt của ta do Pháp xây để lại. Đây cũng là một trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam. Một trong những đột phá chiến lược của ta hiện nay là hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt. Tuy nhiên hiện vốn trung hạn cho đường sắt chưa có nhưng về lâu dài là phải làm.

Thủ tướng nói thêm, việc làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam cũng đang có nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên các thế hệ lãnh đạo và Thủ tướng rất mong muốn có tuyến đường sắt này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi sinh viên là một sứ giả của đất nước - Ảnh 5.

Kết thúc buổi gặp gỡ với hơn 50 sinh viên, giảng viên người Việt Nam đang học tập và giảng dạy tại một số trường đại học Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng mỗi khách mời một chiếc bút – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi sinh viên là một sứ giả của đất nước - Ảnh 6.

Các du học sinh chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng Phạm Minh Chính – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: