Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gia hạn nộp thuế và thành lập 6 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn, tháo gỡ các khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh sớm đưa các chính sách đi vào cuộc sống để người dân được thụ hưởng – Ảnh: VGP
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2022 vào ngày 29-4.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, các số liệu trên cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng đều có những tín hiệu rất tích cực, xuất siêu đạt khoảng 2,53 tỉ USD, cho thấy năng lực sản xuất của nền kinh tế đã phục hồi mạnh, cơ bản đạt mục tiêu.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25-4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra bài toán với điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay, bộ đã phân bổ được 42.000 tỉ đồng trong tổng số vốn khoảng 50.000 tỉ đồng đầu tư công được phân bổ năm 2022. Trong đó, đã giải ngân được khoảng 10.000 tỉ đồng, các dự án trọng điểm ngành giao thông tương đối bảo đảm tiến độ đề ra.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhưng không để ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường vốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những kết quả đạt được trong tháng 4 là đáng mừng, tích cực, song không chủ quan, lơ là, mà phải tiếp tục rà soát các công việc. Trong đó lưu ý tồn tại, hạn chế như kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát lớn, nợ xấu có xu hướng tăng, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là an ninh mạng. Tình hình xung đột tại Ukraine tiếp tục tác động tới Việt Nam. Thị trường bất động sản, trái phiếu cần tiếp tục được quan tâm theo dõi.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh có thể tác động tới vĩ mô. Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế; thực hiện các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Tiếp tục tháo gỡ các vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng lưu ý tinh thần “quyền lực phân cấp nhưng nguồn lực tập trung”, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại chương trình phục hồi và phát triển. Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và tổ công tác để đôn đốc, hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong lĩnh vực y tế.
Đồng thời thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do các phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, thúc đẩy việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, khả thi để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế.
Có phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, tập trung cho các dự án hạ tầng giao thông. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung – cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu. Chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới, xử lý nghiêm các sai phạm, không để thao túng, lũng đoạn thị trường.
Nguồn: tuoitre.vn