Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 2-9 dễ thở hơn nhưng vẫn cao gấp đôi ngày thường; Hôm nay xét xử cựu bí thư Bình Dương và nhiều cựu lãnh đạo vụ bán rẻ ‘đất vàng’; Doanh nghiệp tư nhân cần trợ lực để phục hồi sau dịch… là tin đáng chú ý sáng nay.
Các cựu lãnh đạo Bình Dương từ trái qua: Ông Phạm Văn Cành (cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy), ông Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy) và ông Trần Thanh Liêm (cựu chủ tịch UBND tỉnh) ra tòa hôm nay – Ảnh: T.D.
Xét xử cựu bí thư tỉnh ủy cùng nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương vụ bán rẻ ‘đất vàng’
Hôm nay (15-8), Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn Nam – cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Thanh Liêm – cựu chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Văn Cành – cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cùng 25 người khác trong vụ án sai phạm tại 43ha “đất vàng” của tỉnh này.
Trong số này, ngoài các ông Trần Văn Nam, Phạm Văn Cành và Trần Thanh Liêm, cựu bí thư, cựu phó bí thư thường trực và cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương, có 10 bị cáo từng là lãnh đạo nhiều sở ngành của tỉnh. Theo cáo trạng, vụ án bán rẻ “đất vàng” gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn, lên đến hơn 5.000 tỉ đồng.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử ở 2 nhóm tội, gồm: vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản. Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày, xét xử tại trụ sở TAND TP Hà Nội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề, xem xét nhiều dự luật quan trọng
Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; cho ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Đồng thời cho ý kiến với 3 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 gồm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật phòng thủ dân sự; Luật phòng, chống rửa tiền.
Cạnh đó cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án với 5 dự án luật dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 gồm dự án Luật dầu khí (sửa đổi); Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật thanh tra (sửa đổi); Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện.
Bình Thuận: Xét xử vụ buôn lậu xăng dầu trị giá 2.000 tỉ đồng
Sáng nay, TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Luyện Xuân Tràng (49 tuổi, quê Hưng Yên) và đồng phạm trong vụ buôn lậu xăng dầu “khủng” xảy ra tại Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú.
Tràng được xem là nhân vật “trùm cuối”, dù không có chức vụ nào tại công ty nhưng chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện các hành vi sai phạm. Tràng đã ra đầu thú sau khoảng 3 năm bỏ trốn, khi vụ án bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện.
Cùng đưa ra xét xử lần này còn có các bị cáo nguyên là lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu thụ nguồn xăng dầu lậu từ công ty này. Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định vụ buôn lậu này có giá trị hơn 2.000 tỉ đồng. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ hôm nay đến 19-8.
Vé máy bay dịp lễ 2-9 ‘dễ thở’ hơn nhưng vẫn cao gấp đôi ngày thường
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 kéo dài 4 ngày nhưng xu hướng đi lại được dự báo không tăng mạnh như dịp hè. Theo các hãng bay, tỉ lệ đặt vé trên hệ thống bán vé chưa thật sự sôi động.
Nhu cầu đi lại, du lịch tăng mạnh từ tháng 3 đến nay, các sân bay luôn đông nghẹt khách
Ghi nhận giá vé ngày 14-8 cho hành trình bay từ 30-8 đến 4-9, giá vé chặng TP.HCM – Hà Nội hiện vào khoảng 3 – 4 triệu đồng/lượt của Vietnam Airlines, Vietjet 2,5 triệu đồng, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines rơi vào 2,5 – 2,9 triệu đồng.
Chặng TP.HCM – Nha Trang, Phú Quốc… giá vé dao động 900.000 – 1,2 triệu đồng/vé, nhiều chuyến bay vẫn còn dồi dào vé trải dài ở các khung giờ trong ngày. Mức giá trong giai đoạn này cao gấp đôi so với ngày thường nhưng không tăng so với những kỳ nghỉ lễ trước đó.
Theo ghi nhận, sau dịp nghỉ lễ 2-9, bắt đầu từ ngày 8-9 giá vé bắt đầu giảm, nhiều đường bay thể hiện rõ rệt như TP.HCM – Phú Quốc, Nha Trang có giá 99.000 – 300.000 đồng/vé.
Đại diện một hãng bay cho biết giá vé nhấp nhổm trong vài ngày nghỉ lễ do nhu cầu đi lại có tăng so với ngày thường nhưng không tăng đột biến như dịp hè. Do kỳ nghỉ hè vừa kết thúc, học sinh, sinh viên bước vào năm học mới nên dịp lễ 2-9 sẽ ít đi lại bằng đường hàng không hơn.
Không chỉ hàng không, giá vé xe khách dịp 2-9 đang được nhiều hãng xe cho biết chưa có kế hoạch tăng giá, thậm chí trên hệ thống bán vé duy trì khuyến mãi 5-10% cho khách đặt chỗ online.
Phát hiện kho thuốc bất hợp pháp tại Hà Nội
Cục Quản lý dược vừa có cảnh báo phát hiện thuốc giả. Mẫu sản phẩm trên nhãn ghi: Viên nén dài bao phim CEFUROXIM 500, SĐK: VD-27836-17, lô SX: 71240820, NSX: 240820, HD: 240823; Cơ sở sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long, do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc – xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội.
Mẫu sản phẩm trên có hình thức nhãn và viên không giống mẫu thuốc thật; không có phản ứng định tính Cefuroxim nhưng có phản ứng định tính với Paracetamol. Sau khi đối chiếu, xác định sản phẩm trên là thuốc giả, Cục Quản lý dược cảnh báo dấu hiệu phân biệt ở chữ in trên nhãn hộp thuốc có phông chữ sai khác so với thuốc thật.
Xung quanh viền in số lô – hạn sử dụng trên vỉ ở thuốc giả nhẵn bóng, trong khi viền xung quanh số lô thuốc thật có gai; thuốc giả viên nén dài màu trắng (không bao phim), không trơn bóng, thành cạnh không sắc nét, trong khi thuốc thật viên nén dài bao phim màu trắng, mặt và cạnh trơn bóng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược cho biết ngày 12-8, cơ quan chức năng đã phát hiện kho thuốc bất hợp pháp tại căn hộ chung cư cao cấp (tầng 18 tòa nhà Hanoi Center Point, 27 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) chứa nhiều thuốc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Doanh nghiệp tư nhân cần trợ lực để phục hồi sau dịch
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh một số khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Sản lượng gỗ gia tăng đang dần đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của xuất khẩu lâm sản – Ảnh: VGP
Các tổ chức, hiệp hội cho rằng hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn về tài chính: Doanh nghiệp thiếu vốn lưu động; Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm. Việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với yen Nhật, euro… khiến doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu, Nhật Bản bất lợi.
Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Một số hiệp hội phản ảnh, do quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Ban IV và các hiệp hội đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp; đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.
Nguồn: tuoitre.vn