Hàng không tăng tần suất bay kỷ lục; TP.HCM bàn cách thoát ế cho bến xe Miền Đông mới; Chính phủ vừa có nghị định cho phép một số cơ chế đặc thù với TP Đà Nẵng; Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng… là tin đáng chú ý sáng nay.
Bến xe Miền Đông mới ế ẩm, hàng ghế chờ không có lấy một hành khách – Ảnh: LÊ PHAN
TP.HCM họp bàn cách ‘thoát ế’ cho bến xe Miền Đông mới
Hôm nay 22-6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ họp với các đơn vị liên quan về việc tổ chức khai thác bến xe Miền Đông mới sau phản ánh của báo chí việc bến xe này “ế khách”.
Theo đó, mặc dù đã đi vào hoạt động gần 2 năm (từ tháng 10-2020), nhưng bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM, được xem là bến xe lớn nhất nước) vẫn đìu hiu, lượng khách đến đây mỗi ngày chỉ có vài chục lượt.
Trong khi bến xe Miền Đông hiện hữu (dù đã chuyển 22 tuyến xe ra bến xe Miền Đông mới) hằng ngày vẫn có hàng chục ngàn lượt khách đến và đi tại đây.
Mới đây nhất, chủ đầu tư dự án bến xe Miền Đông mới – Tổng công ty Cơ khí Sài Gòn (Samco) – đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM xem xét giãn thời hạn di dời các tuyến tiếp theo (các tuyến còn lại trong bến xe Miền Đông cũ) ra bến xe Miền Đông mới.
Hàng không tăng tần suất bay kỷ lục
Ông Đặng Anh Tuấn – trưởng ban truyền thông Vietnam Airlines – cho biết giai đoạn cao điểm giữa tháng 7, hãng khai thác tới 430 chuyến mỗi ngày, trong đó tập trung vào mạng nội địa. Còn Vietjet cho hay hãng này khai thác 450 chuyến/ngày, tăng gấp 1,5 lần so với các đợt cao điểm trước đó.
Sân bay tấp nập khách như thời gian trước dịch COVID-19 – Ảnh: C.TRUNG
Tần suất chuyến bay cao điểm hè mức kể trên là tăng đạt kỷ lục trên đường bay cả nội địa lẫn quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam đánh giá lượng khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ giữa tháng 6 đã tăng mạnh, thậm chí có ngày khai thác gần 800 chuyến với 114.000 lượt khách. Đây là lượng khách vượt cả dịp cao điểm lễ 30-4 và một số ngày dịp Tết Nguyên đán.
Chiều nay tòa phúc thẩm tuyên án cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Trong hai ngày (20 và 21-6) diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C trái quy định, ông Nguyễn Đức Chung kêu oan. Đến cuối phần tranh luận, ông Chung bất ngờ nhận trách nhiệm là người đứng đầu UBND TP Hà Nội, nói “đã nhận thức được trách nhiệm trong việc chỉ đạo thử nghiệm, mua bán chế phẩm Redoxy-3C”.
Trong phiên xử chiều 21-6, hội đồng xét xử cho biết gia đình ông Chung đã nộp thêm 15 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Ở giai đoạn sơ thẩm, gia đình ông Chung đã nộp 10 tỉ. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Chung đã nhận thức được trách nhiệm của mình và gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả.
Do đó, Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Nguyễn Đức Chung. Trước đó, tại phần luận tội và đề nghị mức án, Viện kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Chung, cho rằng tòa sơ thẩm kết tội “đúng pháp luật, không oan”.
Hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết đối với các bị cáo vào chiều nay 22-6.
Cho phép một số cơ chế đặc thù với Đà Nẵng
Nghị định 40/2022 vừa được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung nghị định 144/2016, quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng.
Khu vực được quy hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu tại TP Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC
Trong đó, HĐND TP được xem xét, quyết định đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng từ nguồn ngân sách TP, trong trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định hiện hành.
Tổ chức sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án, được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Giao UBND TP Đà Nẵng quy định cơ chế tài chính, thẩm quyền xác định và quyết định giá cho thuê, đối tượng cho thuê đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng
Bộ Y tế vừa có công điện gửi các tỉnh thành về phòng chống dịch sốt xuất huyết. Bộ Y tế đánh giá số mắc tiếp tục tăng, dịch có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành tổ chức đánh giá tình hình dịch, có biện pháp chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch.
Đảm bảo tất cả khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đến giữa tháng 6, số mắc sốt xuất huyết cả nước đã vượt 60.000 ca, tăng 97% so với cùng kỳ, số tử vong tăng rất mạnh (35 ca).
Nguồn: tuoitre.vn