Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 – 3,87%; Nạn bán hàng rong, dừng đỗ sai quy định tại bến Bạch Đằng sắp hết “đất sống”; Báo Singapore dự báo du lịch Việt Nam sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ…
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 8 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022 – Ảnh: VGP
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37-3,87%
Chiều 24-8, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 8 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua kinh tế đất nước phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của hàng hóa thế giới đã đẩy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên, nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt.
Tổng cục Thống kê ước tính chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 ước tăng 0,006% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58-2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới.
Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ, Tết cuối năm; giá thịt heo đang có xu hướng tăng…
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37-3,87%. Còn Tổng cục Thống kê dự báo tăng trong khoảng 3,4-3,7%. Dự báo lạm phát bình quân năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra là tăng trong khoảng 3,7% (dao động khoảng 0,3%).
Không để thiếu thuốc, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Phát biểu tại cuộc họp trên, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, giá dịch vụ y tế, giáo dục ảnh hưởng đến toàn dân, tinh thần là phải vận hành theo giá thị trường, có sự quản lý của nhà nước.
Bệnh nhân mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG
Phó thủ tướng lưu ý, thời gian tới cần tính toán cặn kẽ những tác động để đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp, hiệu quả.
Đối với Bộ Y tế, Phó thủ tướng đề nghị căn cứ vào các quy định của pháp luật, tiếp tục triển khai các gói đấu thầu mua sắm tập trung thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế kịp thời, theo đúng quy định pháp luật, không để thiếu thuốc, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phối hợp với các cơ quan liên quan để chuẩn bị các văn bản quy định về giá dịch vụ y tế, trong đó có giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm phù hợp.
Quyền bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy
Chiều nay (25-8), quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ có buổi thăm và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đây là chuyến làm việc đầu tiên của bà Lan với một bệnh viện ở khu vực phía Nam sau khi được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vào ngày 15-7. Cùng tham dự còn có Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc làm việc ngày 21-8 – Ảnh: BYT
Dự kiến nội dung làm việc sẽ xoay quanh việc đánh giá kết quả hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị từ phía bệnh viện.
Trước đó 4 ngày (21-8), tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Y tế, ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đại diện các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế – đặt ra 6 vấn đề đang khiến những bệnh viện đang vướng mắc như phê duyệt giá dự toán mua sắm, thiếu thuốc và trang thiết bị… và kiến nghị tháo gỡ.
Đặc biệt với quy định mua sắm hiện hành của ngành y tế, ông Thức đề nghị nên cho phép chọn mua thuốc, vật tư “giá hợp lý”, không chọn loại rẻ vì ảnh hưởng chất lượng. “Đã có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không có vấn đề gì, nay mua dao rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh” – ông Thức nói.
Báo Singapore dự báo du lịch Việt Nam sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ
Báo The Business Times (Singapore) vừa đăng bài viết của tác giả Michael Arnold đánh giá lĩnh vực du lịch của Việt Nam đang sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới, với doanh thu du lịch quốc tế dự kiến sẽ vượt mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2024.
The Business Times dẫn báo cáo mới nhất của Fitch Solution cho biết lĩnh vực du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đạt doanh thu 11,1 tỉ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỉ USD vào năm 2019 – trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Con số này dự kiến sẽ tăng lên, đạt khoảng 13,2 tỉ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã đóng cửa hầu hết các đường biên giới trong năm 2020 và 2021 trước khi mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài vào tháng 3-2022.
Tổng giám đốc khách sạn Melia Ba Vi Mountain Retreat, Noemi Perez, cho biết chính sách ứng phó linh hoạt của Việt Nam đã đem lại cho du khách quốc tế nhiều thuận lợi hơn khi nhập cảnh. Du khách quốc tế đánh giá Việt Nam nằm trong số các nước có thủ tục nhập cảnh tiện lợi, môi trường an toàn và nhiều điểm đến tham quan.
Sau dịch COVID-19, Việt Nam đang tăng cường các ưu đãi để dần bù đắp những thiệt hại trong đại dịch. Dữ liệu từ Google Destination Insights đưa Việt Nam lên đầu danh sách các điểm đến quốc tế trên toàn thế giới có nhu cầu về lưu trú gia tăng trong năm nay.
Ước tính, khoảng 100 dự án khách sạn đang được xây dựng ở Việt Nam. Các nhà quan sát cho rằng đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Nạn bán hàng rong, dừng đỗ sai quy định ở bến Bạch Đằng sắp hết “đất sống”
Từ tình trạng bán hàng rong, dừng đỗ sai quy định ở công viên bến Bạch Đằng, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP nghiên cứu giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông tại trung tâm TP để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Người bán hàng rong tại bến Bạch Đằng, quận 1 bỏ chạy khi có lực lượng chức năng kiểm tra – Ảnh: MINH DUY
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn khẩn, chỉ đạo về tình hình an ninh trật tự tại công viên bến Bạch Đằng, quận 1. Công văn được thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM dựa trên báo cáo của Công an TP.
UBND TP.HCM giao Công an TP, UBND quận 1 phối hợp thực hiện ngay các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng người dân dừng, đỗ xe dưới lòng đường Tôn Đức Thắng và khu vực công viên bến Bạch Đằng.
Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng rong, chèo kéo, tranh giành khách. Phối hợp với địa phương nơi người vi phạm cư trú để tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm quy định về trật tự an toàn giao thông, có biện pháp quản lý, tạo việc làm ổn định không để người dân tiếp tục vi phạm.
Những việc trên phải báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Thành ủy và UBND TP trước ngày 31-10.
Nguồn: tuoitre.vn