Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiêm vắc xin COVID-19, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh; Bổ sung 13 tuyến đường thu phí ETC; Phạt nguội người hút thuốc nơi công cộng; Bắc Bộ mưa rất to… là những tin đáng chú ý sáng nay.
Người dân ở TP.HCM đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiêm vắc xin, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, số ca mới và ca nặng đang có chiều hướng gia tăng… Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các địa phương đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, chủ tịch UBND tỉnh, thành; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vắc xin, kịp thời báo cáo Thủ tướng chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.
“Cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng thì phải chịu trách nhiệm”, công điện nêu.
Giải ngân gói phục hồi kinh tế được khoảng 49.000 tỉ đồng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã giải ngân gói phục hồi kinh tế được khoảng 49.000 tỉ đồng – Ảnh: CHÂU PHẠM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các thành viên Ban chỉ đạo về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo tình hình triển khai của gói này.
Theo đó, đến nay sau hơn 7 tháng thực hiện, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã chủ động xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản để cụ thể hóa chính sách. Bao gồm các quy định về miễn giảm thuế, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, gia hạn thời gian nộp thuế, các nghị quyết triển khai các dự án cao tốc quan trọng, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, tín dụng với học sinh sinh viên…
Thống kê sơ bộ giải ngân các chính sách thuộc chương trình được dự thảo nêu ra, đến nay đã đạt được 49.000 tỉ đồng. Trong đó, giải ngân được chương trình tín dụng thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.700 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà là 969 tỉ đồng cho 1,4 triệu người lao động; miễn giảm thuế là 31.000 tỉ đồng và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.
Tuy vậy, cũng có những gói thực hiện giải ngân rất thấp, như hỗ trợ lãi suất từ các ngân hàng thương mại mới được 1 tỉ đồng với khoản dư nợ là 3.800 tỉ đồng. Trong khi đó, với khoản tiền lớn để triển khai nhiệm vụ, dự án, dự kiến lên tới 147.138 tỉ đồng hiện đang thực hiện các thủ tục đầu tư để báo cáo các cấp có thẩm quyền làm cơ sở triển khai.
Bổ sung 13 tuyến đường vào dự án thu phí ETC giai đoạn 1
Nhiều xe chưa dán thẻ không dừng được vào 3 làn ETC trả tiền mặt để đi qua trạm thu phí An Sương – An Lạc sáng 2-8 – Ảnh: T.T.D.
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án 2 và Công ty TNHH thu phí tự động VETC liên quan đến mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng đối với các tuyến quốc lộ và cao tốc trên toàn quốc thuộc dự án BOO1.
Theo đó, có 13 dự án BOT đường bộ sẽ được bổ sung phạm vi cung cấp dịch vụ của dự án BOO1, trong đó có các tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; Liên Khương – Prenn; Nội Bài – Lào Cai; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Long Thành – Dầu Giây; Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương án kết nối back – end.
Trước đó, theo quyết định 2129/2020 của Bộ Giao thông vận tải, phạm vi của dự án BOO1 chỉ gồm 32 trạm. Trong đó, 23 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, 9 trạm trên tuyến quốc lộ khác, 3 trạm trên cao tốc và 15 trạm trên các tuyến quốc lộ do địa phương quản lý.
Đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 30% giám đốc, chủ doanh nghiệp là nữ
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đặt ra mục tiêu tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Theo Chính phủ, chỉ tiêu này được công bố 5 năm/lần từ nguồn số liệu tổng điều tra kinh tế.
Theo kết quả điều tra kinh tế năm 2021, tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 27,2%, đạt mục tiêu chiến lược đến 2025.
Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số doanh nhân do Mastercard công bố năm 2021 cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đạt 26,5%, đưa Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện duy nhất của châu Á có mặt trong top 10 quốc gia có tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (nơi chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 40% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động) chủ yếu do nữ làm chủ.
Sẽ phạt nguội người hút thuốc nơi công cộng
Sắp tới đây, những người hút thuốc ở những nơi cấm hút thuốc lá có thể bị phạt nguội – Ảnh: XUÂN MAI
Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho hay trong thời gian tới có thể sẽ áp dụng phạt nguội các hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hiện nay theo quy định, tại một số điểm cấm hút thuốc lá, người hút thuốc sẽ bị phạt tới 500.000 đồng. Còn đơn vị kinh doanh sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng nếu không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Tại TP.HCM, theo đánh giá của Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD), thời gian qua tình trạng hút thuốc lá tại các bến xe, bến phà, bến tàu thủy ở TP.HCM giảm rõ rệt. Trung tâm sẽ phối hợp cùng các đơn vị để mở rộng xử lý thêm ở nhiều nơi khác.
Tuy nhiên việc xử phạt hành vi này còn rất khó do không bắt được trực tiếp khi người dân vi phạm. Với việc xử phạt nguội có thể được xem như giải pháp tiếp tục kéo giảm tình trạng hút thuốc lá nơi cấm, nơi công cộng.
Nguồn: tuoitre.vn