Bão số 3 làm máy bay đi TP.HCM phải hạ cánh ở Cam Ranh, nhiều chuyến bị chậm; Bộ Y tế cảnh báo về bánh trung thu trôi nổi, kém chất lượng; Từ đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị xử lý 408 cán bộ, công chức… là các tin tức đáng chú ý sáng nay.
Nhiều chuyến bay bị chậm chuyến, nguy cơ khách hàng phải chật vật chờ bay – Ảnh: C.GIANG
Bão số 3 làm nhiều chuyến bay chậm giờ, bay vòng và hạ cánh sân bay khác
Trong vài ngày gần đây, ảnh hưởng cơn bão số 3 do mưa lớn khiến nhiều chuyến bay phải lùi giờ khai thác, thậm chí có nhiều chuyến phải bay vòng 20-30 phút và hạ cánh ở sân bay khác. Riêng trưa 26-8, chuyến bay từ Chu Lai đến TP.HCM phải bay 4-5 vòng vẫn chưa thể hạ cánh do mưa lớn, sau đó phải hạ cánh ở Cam Ranh chờ thời tiết ổn định mới về lại Tân Sơn Nhất.
Ít nhất 4 chuyến bay bị chậm chuyến dây chuyền do thời tiết tới tối cùng ngày. Trước đó, nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways phải lùi giờ khai thác, chuyến VN7198 của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Hải Phòng bay 21h30 tối 25-8 nhưng phải chuyển sang bay sáng 26-8…
Theo các chuyên gia, khi di chuyển bằng máy bay dịp này người dân cần có phương án đề phòng để tránh thiệt hại đến công việc do bị trễ giờ, cũng như kiểm tra các tin nhắn trước khi ra sân bay, đề phòng có tin nhắn báo chậm chuyến, việc chậm, hoãn, hủy các chuyến vì điều kiện thời tiết là bất khả kháng vì yêu cầu an toàn bay.
Nhiều trường hợp, các hãng phải cho máy bay bay không tải (không có khách) để đi đón khách tại các sân bay khác, với mức chi phí phát sinh lên đến hàng trăm triệu đồng/chuyến.
Kiến nghị xử lý 408 cán bộ, công chức từ giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 cho thấy các cơ quan hành chính đã giải quyết được gần 20.000/23.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 84,9% (tăng 8,6% so với năm trước).
Từ đó đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 25,2 tỉ đồng, 1,9 hecta đất, trả lại cho tổ chức, cá nhân 319 tỉ đồng, 8 hecta đất, khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý 466 người (trong đó có 408 cán bộ, công chức), chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức).
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành 1.268 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 1.873 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đã ban hành 1.051 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính với 155 tổ chức, 365 cá nhân và đã xử lý 114 tổ chức, 293 cá nhân.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em
Tháng 9, Việt Nam nhận thêm 7,8 triệu liều vắc xin COVID-19
Tháng 9 tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận 7,8 triệu liều vắc xin viện trợ, đây là vắc xin sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên, gồm 1,2 triệu liều Pfizer từ COVAX, 4,2 triệu liều Pfizer do Chính phủ Úc viện trợ thông qua UNICEF, 2,36 triệu liều AstraZeneca từ VNVC. Ngoài ra, có 0,6 triệu liều vắc xin viện trợ cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ COVAX và ASEAN.
Đến thời điểm này, toàn quốc đã tiêm trên 255,13 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19. Trong đó nhóm từ 18 tuổi trở lên đạt 100% liều cơ bản, mũi 4 đạt 70%. Nhóm từ 12-17 tuổi đạt 100% liều cơ bản.
Nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 80% với mũi 1, nhưng mũi 2 chỉ 51%, trong đó có nhiều tỉnh thành có tỉ lệ tiêm mũi 2 thấp dưới 40% như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa…
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết một số địa phương đăng ký số lượng vắc xin thấp hơn nhiều so với số đối tượng chưa được tiêm chủng, khiến dự báo và dự trữ vắc xin khó khăn, dẫn tới thiếu vắc xin.
Một số loại bánh trung thu siêu rẻ đã xuất hiện trên thị trường
Cảnh báo có bánh trung thu lậu, trôi nổi, chất lượng không bảo đảm
Thanh tra Bộ Y tế cho biết mặc dù còn 2 tuần nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng thị trường bánh trung thu đã sôi động, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá, song tại một số địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… đã phát hiện và thu giữ lượng lớn bánh trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thanh tra Bộ Y tế vừa có công văn 784 đề nghị các giám đốc Sở Y tế, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh tăng cường thanh kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
Chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp này như bánh trung thu, bánh mứt kẹo các loại, nước giải khát; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ; việc quảng cáo, bán hàng online trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, triệt để theo đúng quy định.
Nhiều người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trực tiếp tiếp công dân
Chính phủ vừa báo cáo gửi Quốc hội về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 (số liệu tính từ ngày 1-8-2021 đến 31-7-2022).
Theo đó, tỉ lệ người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân tăng so với năm 2021, trong đó hầu hết chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thực hiện công khai lịch tiếp và trực tiếp tiếp công dân định kỳ hằng tháng, tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp và chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới.
Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 82.071 lượt người với 87.572 vụ việc (có 1.011 đoàn đông người). Trong đó thủ trưởng trực tiếp tiếp 65.055 lượt (chiếm 78,3% tổng số lượt tiếp), ủy quyền tiếp 17.016 lượt. Riêng chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp 506 ngày (77%), ủy quyền tiếp 151 ngày (23%) trong tổng số 657 ngày tiếp với 3.674 lượt công dân được tiếp.
Các bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ thủ trưởng trực tiếp tiếp công dân cao là Kon Tum, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Trà Vinh, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Quốc phòng…
Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Định tiếp tục “đội sổ” về giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà
Tính tới 22h ngày 26-8, các tỉnh chậm giải ngân nhất vẫn là những cái tên quen thuộc như Phú Thọ (8,86%), Bình Định (15,2%), Bắc Ninh (16,3%)… Trong khi rất nhiều địa phương đã giải ngân 100% số hồ sơ như Bắc Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Kon Tum, Đắk Nông…
Còn 3 trung tâm công nghiệp khu vực phía Nam gồm TP.HCM (đạt 68%), Bình Dương (54,8%), Đồng Nai (96,9%) chuyển biến tích cực hơn các ngày trước.
Dự kiến hôm nay 27-8, Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Lê Văn Thanh sẽ kiểm tra, đốc thúc tiến độ triển khai giải ngân tại tỉnh Hải Dương – nơi đến nay giải ngân được 69,5%.
Ông Vũ Trọng Bình, cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), cho biết việc chi tiền hỗ trợ thuê nhà chậm do một số địa phương cầu toàn khi triển khai, dù tinh thần của Thủ tướng là phải kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ người lao động trong quá trình phục hồi kinh tế.
Nguồn: tuoitre.vn