Đã giải ngân được hơn 49.000 tỉ đồng phục hồi kinh tế – xã hội; Đề nghị xây bệnh viện gần khu vực đông công nhân; Tập trung hoàn thiện dự án Luật đất đai; Sắp có “chợ công nghệ, thiết bị chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch”…
Đất nông nghiệp ở xã Cư Êbur và Khánh Xuân (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị phân lô, bán nền – Ảnh: TRUNG TÂN
Tập trung hoàn thiện dự án Luật đất đai
Ngày 30-8, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký ban hành nghị quyết về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8-2022. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện 4 dự án luật: Luật đất đai (sửa đổi), Luật giá (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật hợp tác xã (sửa đổi).
Nghị quyết nêu rõ, tại phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến 4 dự án luật hết sức quan trọng, là các dự án luật lớn, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, doanh nghiệp và đời sống nhân dân, nhất là dự án Luật đất đai (sửa đổi); kịp thời thể chế hóa nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Nghị quyết tập trung các nội dung: Rà soát kỹ nội dung, đối tượng điều chỉnh các dự án luật; Không để khoảng trống pháp luật, vướng mắc, bất cập trong tổ chức triển khai; Tiếp tục rà soát tổng thể, tháo gỡ vướng mắc của Luật đất đai; Đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, điều tiết giá; Hoàn thiện khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ về đấu thầu; Thể chế hóa các mô hình hợp tác xã kiểu mới thành công…
Đề nghị xây bệnh viện gần khu vực đông công nhân
Ngày 30-8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản góp ý dự thảo Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) đề nghị nghiên cứu, bổ sung khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách, được tập trung đầu tư để xây dựng, phát triển cơ sở khám, chữa bệnh.
Việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân lao động vừa đáp ứng điều kiện làm việc (có ít thời gian, đi làm sớm, về muộn) của công nhân lao động, đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa (dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, cháy nổ,…).
Bệnh nhân mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG
Ngoài các đối tượng người có công với cách mạng, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…, đề nghị bổ sung công nhân lao động là đối tượng cần được quan tâm trong khám, chữa bệnh.
Cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho công nhân lao động có thể dễ dàng tiếp cận và thuận lợi (đặc biệt là khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế).
Đề nghị xác định rõ việc phân thành ba cấp (cấp khám chữa bệnh ban đầu; cấp khám chữa bệnh cơ bản; cấp khám chữa bệnh chuyên sâu thay vì bốn tuyến tương ứng với bốn cấp hành chính như Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành) được thực hiện theo chuyên môn kỹ thuật hay theo hệ thống tổ chức… quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mỗi cấp.
Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh đề nghị cần nghiên cứu, xem xét, quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh, kể cả với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.
Đã giải ngân được hơn 49.000 tỉ đồng trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính tới thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân được khoảng 49.000 tỉ đồng tiền thực hiện các chính sách hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội 2022 – 2023.
Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân khoảng 9.700 tỉ đồng/19.000 tỉ đồng tiền thực hiện bốn chương trình tín dụng ưu đãi.
Các địa phương đã giải ngân 969 tỉ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà cho gần 1,4 triệu lao động (số liệu đến ngày 15-8); các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 1 tỉ đồng đối với khoản dư nợ khoảng 3.800 tỉ đồng.
Lắp đặt thiết bị máy tính bảng hỗ trợ cho việc học của em Nguyễn Đức Anh ở làng chài ven sông Hồng – Ảnh: HÀ THANH
Tính đến hết tháng 7-2022, các bộ, địa phương đã thực hiện miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 31.000 tỉ đồng. Hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất khoảng 7.400 tỉ đồng (tính đến hết tháng 6).
Đối với chương trình hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” (quy mô khoảng 1.000 tỉ đồng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả chương trình trong điều kiện các em học sinh đã đi học trở lại; và xem lại vấn đề chất lượng máy tính bảng cấp cho học sinh có giá không quá 2,5 triệu đồng.
Cũng liên quan tới tình hình thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội 2022-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến hết tháng 7, Chính phủ đã ban hành bảy nghị định về cơ chế chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế; tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ lãi suất; gia hạn thuế…
Thủ tướng cũng ban hành năm quyết định về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; tín dụng với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; điều kiện, thủ tục, mức cho vay ưu đãi với cơ sở mầm non ngoài công lập; chương trình quản lý nợ công; cac dự án đầu tư đường bộ cao tốc thuộc chương trình phục hồi.
Đối với các dự án, chương trình đầu tư công thuộc chương trình có tổng quy mô vốn lên tới 147.138 tỉ đồng, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế thực hiện theo hướng cho phép phân bổ vốn ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.
Sắp có “chợ công nghệ, thiết bị chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch”
Ngày 30-8, thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cho biết, thành phố vừa phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị” của thành phố từ đây đến năm 2025 và định hướng đến 2030.
Chương trình này nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao trình độ công nghệ, hướng tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, tạo sự chuyển biến mạnh về năng suất và chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, những sản phẩm thế mạnh của Cần Thơ.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ
UBND TP Cần Thơ cũng đã thống nhất kế hoạch tổ chức “Chợ công nghệ, thiết bị chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch” (Techmart Nông nghiệp 2022).
Chợ công nghệ năm nay có chủ đề “Khoa học công nghệ – Động lực phát triển nông nghiệp bền vững”, dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 11-2022 tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Sự kiện sẽ kết hợp giữa trưng bày, hội thảo, tọa đàm, trình diễn và tư vấn chuyển giao công nghệ. Techmart Nông nghiệp 2022 sẽ diễn ra với quy mô khoảng 20 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp. Tại đây cung cấp các sản phẩm công nghệ và thiết bị lĩnh vực nông nghiệp và một khu triển lãm trung tâm để giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ của thành phố.
Trước thềm nghỉ lễ 2-9, giá rau tăng, giá hoa giảm
Ghi nhận ngày 30-8, giá rau, hoa Đà Lạt có sự thay đổi nghịch chiều so với 1 tuần trước đó. Theo đó, giá rau tăng nhẹ, giá hoa giảm mạnh.
Tại chợ Đà Lạt, một số loại rau củ tăng giá như: đậu leo có giá 20.000 đồng/kg, súp lơ xanh 30.000 đồng/kg (đều tăng 2.000 đồng/kg); ớt sừng 40.000 đồng/kg (tăng 6.000 đồng/kg).
Nông dân làng hoa Thái Phiên (P.12, TP Đà Lạt) thu hoạch hoa lily – Ảnh: M.V.
Ghi nhận tại cửa vườn, nhiều loại hoa Đà Lạt giảm giá từ 5.000 – 10.000 đồng/chục. Hoa cúc đại đóa: 32.000 đồng/chục (giảm 8.000 đồng); hoa cúc chùm: 15.000 đồng/chục (giảm 3.000 đồng); hoa hồng đỏ: 20.000 đồng/chục (giảm 4.000 đồng); hoa lily 150.000 đồng/chục (giảm 10.000 đồng); hoa đồng tiền 35.000 đồng/chục (giảm 10.000 đồng).
Theo UBND TP Đà Lạt, giá nông sản rau – hoa Đà Lạt có thay đổi ngược chiều trong những ngày cận lễ 2-9 là do nhu cầu khác nhau của thị trường đối với hai loại nông sản này.
Lượng rau xuất bán tăng đột biến khoảng 15% trong suốt tuần qua, cùng với việc mưa lớn kéo dài đã khiến giá rau tăng. Mặt khác, người tiêu dùng, các nhà hàng cũng mua hàng nhiều hơn trước đợt nghỉ lễ đã tác động đến giá của mặt hàng này.
Trong khi đó, hoạt động tổ chức sự kiện giảm hẳn trong thời gian trước và trong đợt nghỉ lễ đã khiến nhu cầu tiêu thụ hoa giảm. Do đó, giá hoa giảm mạnh từ 10 – 20%.
Nguồn: tuoitre.vn