Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng với hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm nhưng hết 180 ngày vẫn chưa nộp tiền.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng – Ảnh: HỮU HẠNH
Chiều 6-7, bên lề kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng đã trao đổi với báo chí về việc xử lý hợp đồng đối với hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm nhưng hết 180 ngày vẫn chưa nộp tiền.
Ông Thắng cho biết sẽ làm đúng quy định và tham mưu TP chấm dứt hợp đồng đã ký với hai doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ mất số tiền cọc đã đóng trước khi đấu giá. “Trước đây khi hai doanh nghiệp trúng đấu giá, TP đã ký hợp đồng theo luật, hiện nay đã hết thời hạn thì sẽ chấm dứt hợp đồng đúng quy định”, ông nói.
Theo ông Thắng, để chấm dứt hợp đồng, trước tiên Cục Thuế TP sẽ xem xét thời gian từ ngày ra thông báo thuế đến thời điểm hiện tại đơn vị có liên hệ để thực hiện nộp tiền hay không. Nếu không, phía Sở Tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với Sở Tư pháp và các sở ngành liên quan chủ trì soạn thảo tờ trình tham mưu UBND TP chấm dứt hợp đồng.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP cho biết thẩm quyền ký quyết định chấm dứt là của UBND TP. Về khoản tiền chậm nộp, theo ông Thắng, tất cả nội dung đã đưa vào điều khoản của hợp đồng, bên thuế sẽ căn cứ vào hợp đồng để xử lý.
Ông Thắng cũng thông tin thêm, trong báo cáo vừa rồi của TP.HCM, TP sẽ có chỉ đạo cụ thể về đánh giá và rút kinh nghiệm lại đợt đấu giá vừa rồi để tổ chức tiếp tục đợt đấu giá tiếp theo.
Khi nào Sở Tài nguyên và môi trường trình UBND TP việc chấm dứt hợp đồng? Ông Thắng cho hay việc trình phải họp các cơ quan liên quan lại. Tuy nhiên, thời gian chấm dứt hợp đồng được xác định là ngày 6-7.
Các lô đất được đấu giá ở Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Chi cục Thuế TP Thủ Đức cho hay đến cuối ngày 5-7, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền. Được biết, cơ quan thuế cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với số tiền phải nộp đợt 1, nhưng Chi cục Thuế TP Thủ Đức vẫn chưa cưỡng chế được do tài khoản của hai doanh nghiệp này không có tiền.
Trước đó, Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) nên phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), đóng 4.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. Đến nay khoản phải nộp của đợt thanh toán đợt 1 và đợt 2 của hai doanh nghiệp này đều đã quá hạn và thời hạn 180 ngày phải thanh toán cũng hết.
Vào tháng 4, hai doanh nghiệp này có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9-2022, nhưng không được chấp nhận. Sau đó Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega có văn bản cam kết sẽ thanh toán khoản tiền 100 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước trước ngày 30-4 để thể hiện thiện chí tiếp tục thực hiện dự án.
Tuy nhiên sau đó hai doanh nghiệp này vẫn không nộp tiền theo cam kết. Hiện cơ quan thuế vẫn đang tính tiền chậm nộp theo quy định 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6-2 và từ ngày 7-4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền chậm nộp đợt 2. Hiện số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả hơn 2,3 tỉ đồng/ngày. Tính đến nay, số tiền chậm nộp của mỗi doanh nghiệp đã lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Trước đó, tại văn bản số 03 và 04 của Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega gửi Cục Thuế TP.HCM, hai doanh nghiệp này cho biết đã gặp nhiều khó khăn phát sinh nằm ngoài dự đoán như phản ứng trái chiều của thị trường, các thông tin tiêu cực được “tung hứng”, hay việc bỏ cọc của hai công ty trúng đấu giá thật sự gây nhiều khó khăn cho việc đàm phán của công ty với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, hai công ty cũng cho rằng cùng với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế chính trị đang diễn biến khá phức tạp ở Đông Âu, đã có nhiều nhà đầu tư quay lưng với dự án. Tất cả những điều này đã gây không ít khó khăn cho dòng vốn của dự án trong giai đoạn hiện tại.
Nguồn: tuoitre.vn