Nước sông Vệ thênh thang chảy về đoạn cuối trước khi đổ ra biển, bên tả ngạn (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) rau sạch xanh rì, không có thuốc và phân hóa học…
“Tự mở phòng kiểm nghiệm, tự kiểm tra chất lượng rau, tôi không cần ai quản lý mình làm việc đó”, anh Âu nói về công việc của mình – Ảnh: TRẦN MAI
Anh Trần Ngọc Âu (38 tuổi) – chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao QNA Safe – dẫn chúng tôi qua từng thửa rau, cho biết rau sạch chính là giấc mơ lâu nay của anh.
Tự hổ thẹn, tự hạnh phúc
Nhìn quanh vựa rau lớn nhất nhì Quảng Ngãi, hàng trăm hecta đất ven sông Vệ được phủ xanh bởi rau màu. Chen trong những diện tích rau bao đời của người dân là nhà kính rộng lớn của Công ty QNA Safe.
Sự tách biệt không chỉ từ cái nhà kính, mà cả cách chăm sóc rau. Họ nói không với thuốc trừ sâu, phân hóa học. Tất cả các khâu chăm sóc đều tự nhiên.
Một nhóm công nhân lúi húi làm cỏ bằng tay, nhóm khác đang ủ phân tưới vi sinh, làm đất cấy vi sinh có lợi, phun thuốc vi sinh khi rau bị sâu bệnh… Từ khâu trồng đến thu hoạch đều theo một quy trình khép kín.
Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải vượt qua tất cả các khâu kiểm định từ phòng thí nghiệm của công ty, mà không chờ đến cơ quan chức năng. Thậm chí có lần công ty hủy cả lô hàng vì không vượt qua được các khâu kiểm tra an toàn.
Lô hàng ấy chỉ đơn giản là dư một hàm lượng đạm vô cơ nhỏ.
“Suy cho cùng thì đừng chờ ai kiểm tra mình, hãy tự mình phải có trách nhiệm với cuộc sống này. Hãy hổ thẹn và hạnh phúc với thành quả của mình gửi cho đời”, Âu rút ra kinh nghiệm.
Chàng trai ốm nhom và kiên định với thực phẩm sạch ấy nhớ về cái lần vô tình đọc thông tin Việt Nam thuộc top đứng đầu thế giới về phát hiện ca ung thư mỗi năm đến mức ám ảnh.
Anh quyết định rủ bạn cùng làm rau sạch, bởi thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư, đã và đang làm bao gia đình rơi vào khánh kiệt. Đó là vào năm 2013.
Anh nhớ lại lần tham quan mô hình trồng rau của người Nhật. Giữa bạt ngàn rau xanh nhưng tuyệt nhiên không thấy bất kỳ một lọ thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nào.
“Khi sản phẩm được xuất bán ra thị trường, chính nông dân tự xét nghiệm rau của gia đình mình trồng đạt chuẩn hay chưa. Người Nhật rất có trách nhiệm với quy trình sản xuất rau của mình” – anh Âu nói.
“Nông dân mình liệu có làm được như người Nhật và ai sẽ tiên phong?” – câu hỏi ấy đã lôi Âu đi mãi đến tận bây giờ.
Anh Âu (thứ hai từ phải sang) trao đổi về rau sạch với công nhân của mình – Ảnh: TRẦN MAI
Anh Âu tâm sự: “Tôi tự mở phòng kiểm nghiệm, tự kiểm tra chất lượng rau, tôi không cần ai quản lý mình làm việc đó. Tôi nghĩ chẳng ai quản lý được điều đó nếu như chính mình không tự quản lý.
Tôi từng tự bỏ tiền túi lấy mẫu rau ngẫu nhiên của nhiều loại đi kiểm nghiệm ở các trung tâm quản lý chất lượng nông sản trong và ngoài nước.
Rau công ty tôi làm đừng nói đến chất lượng VietGAP, mà ngang ngửa với yêu cầu khắt khe của nông sản Nhật, châu Âu. Đó là lý do mà bây giờ QNA Safe đã trở thành thương hiệu được bảo hộ toàn cầu”.
Tiêu chí bốn không của người Nhật được anh Âu đưa vào nông sản mình làm: không chất bảo quản, không chất kích thích, không thuốc trừ sâu hóa học, không lẫn tạp chất nguy hại trong rau.
“Ở Nhật, chỉ cần phát hiện người trồng rau nào bán ra thị trường sản phẩm bẩn là sẽ bị cấm vĩnh viễn. Tôi cũng tự cấm mình nếu không làm được điều ấy khi trồng rau” – anh Âu nói.
Nhà nhà trồng rau sạch
Hiện nay, ngoài trồng rau sạch cung cấp ra thị trường, hướng đi của QNA Safe là chuyển công nghệ cùng phương thức canh tác và tư vấn rau sạch đến từng hộ gia đình.
Sau hai năm triển khai, đã có rất nhiều vườn rau an toàn làm trên những mảnh vườn nhỏ ở TP Quảng Ngãi và các huyện lân cận.
Anh Âu cho biết: “Đây là hướng đi mới của công ty. Khi nhà nhà tự làm và sử dụng thực phẩm sạch, đó là lúc mà Nhà nước không còn đau đầu về thực phẩm bẩn nữa”.
Chấp nhận bù lỗ để thay đổi
QNA Safe trở thành công ty trồng rau sạch đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi được Bộ NN&PTNT chứng nhận. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Âu muốn vượt chuẩn, vì thế mà hành trình của Âu cũng cực khổ hơn.
Ngày khởi đầu giấc mơ nông sản sạch có sáu người bạn đồng hành. Liên tiếp bù lỗ, có tháng lên tới 50 triệu đồng, bạn bè lần lượt rời khỏi cuộc chơi.
“Chính xác là anh em đã hết kiên nhẫn sau thời gian dài bù lỗ, bỏ cuộc cũng không trách được” – anh Âu nói.
Đến bây giờ, sau sáu năm, chỉ còn mình anh Âu tiếp tục đổ vốn vào làm. Tỉnh Quảng Ngãi thấy sự quyết liệt của anh trong cuộc chiến thực phẩm bẩn đã cấp cho anh 12ha đất ở Nghĩa Hiệp. Anh từ chối, chỉ nhận 5ha.
“Mình làm bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, quan trọng là phải quản lý chặt chẽ. Bán ra dù chỉ cọng rau cũng phải tuyệt đối sạch” – anh Âu chia sẻ.
Sau hai năm triển khai, đã có rất nhiều vườn rau an toàn làm trên những mảnh vườn nhỏ ở TP Quảng Ngãi và các huyện lân cận – Ảnh: TRẦN MAI
Ngày nhận 5ha đất từ tỉnh Quảng Ngãi giao, anh Âu đã đổ vào 10 tỉ đồng chỉ để làm lại đất, cấy vi sinh có lợi, xử lý tồn dư thực vật và đạm trong lòng đất trước khi xuống giống lứa đầu tiên.
Anh tiếp tục “gửi” ngân hàng hai căn nhà và một miếng đất để tiếp tục “cuộc chơi” của riêng mình.
“Nếu muốn ổn định thì tôi không phải lo nghĩ như bây giờ. Tôi làm công ty nước ngoài, lương tháng 3.000 USD và có một công ty riêng đủ sống ổn. Chỉ là tôi nghĩ mình còn trẻ, tôi vui khi mọi người quanh mình cũng vui” – anh Âu nói.
Dọc qua khu vườn của mình, anh Âu ngắt lá rau diếp cá và quả cà chua ăn ngon lành mà không rửa. Nhìn tôi, anh Âu hỏi: “Đến khi nào nông sản dân mình được như vầy hết nhỉ?”. Tôi cười động viên: “Chắc chắn sẽ nhanh thôi, có những người như các anh thì mọi thứ sẽ dần thay đổi”.
“Thay đổi” là thứ động lực không thể tuyệt vời hơn đối với anh Âu. Anh vẫn còn niềm tin rồi một ngày thực phẩm sạch sẽ lên ngôi. Đó là thời điểm mà tất cả nông dân trồng rau Việt Nam giống như Nhật, Thái, Israel.
Nguồn: tuoitre.vn