Lãnh đạo Idemitsu Kosan – nhà đầu tư Nhật góp 35% vốn tại Lọc dầu Nghi Sơn – thừa nhận vẫn còn nhiều lo lắng về nguồn tài chính của nhà máy này.
Đầu năm nay vì thiếu tiền nhập dầu thô, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn – đơn vị chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước – phải cắt giảm công suất sản xuất từ 105% xuống 80%. Việc này lập tức đã ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước, khiến thị trường rơi vào cảnh thiếu hàng cục bộ.
Vì thế, nói với báo chí bên lề một toạ đàm về biến động giá dầu ngày 8/9, ông Hideaki Egashira, Giám đốc phụ trách đầu tư Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), nói việc đảm bảo dòng tiền cho nhà máy lọc dầu có công suất 10 triệu tấn dầu thô một năm, là ưu tiên quan trọng nhất của nhà đầu tư như Idemitsu Kosan.
Idemitsu Kosan là một trong 4 nhà đầu tư góp vốn vào nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD này với tỷ lệ góp vốn là 35,1%.
Theo ông, giá dầu thô từ 60 USD một thùng, rồi tăng lên 90-120 USD khiến việc đảm bảo biên lợi nhuận của nhà máy khó khăn. Chưa kể, dịch Covid-19 cũng khiến giá nhập khẩu dầu thô về sản xuất ngang bằng với giá bán sản phẩm xăng dầu của nhà máy. “Đầu năm nay, đã có lúc chúng tôi không có đủ tiền đầu tư, mua nhiên vật liệu dầu thô để sản xuất”, ông chia sẻ.
Tình hình sau đó đã được tháo gỡ khi các đối tác nước ngoài tại dự án và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc nhà máy này và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn. Việc này giúp lọc dầu Nghi Sơn được cấp tiền tiếp tục hoạt động thời gian ngắn.
Để ổn định tài chính cho nhà máy này, đại diện Idemitsu Kosan nói cần sự đồng thuận của các nhà tài trợ, nhà đầu tư, các định chế tài chính cấp vốn cho dự án và hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
“Bản thân các nhà đầu tư tại dự án cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Chúng tôi đang cố gắng hết sức giải quyết vấn đề này để đảm bảo dòng tiền mua nguyên liệu dầu thô sản xuất, ổn định bán hàng…”, ông nói thêm và hy vọng cuối năm nay sẽ đạt được sự đồng thuận của các bên tham gia trong dự án này.
Theo báo cáo gần đây của PVN, kế hoạch sản xuất xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất khoảng 3,9 triệu m3 vào quý III (chiếm 72% tổng nhu cầu) và tăng lên 4,4 triệu m3 (tức 80% nhu cầu) vào quý IV.
Bối cảnh giá xăng dầu tăng cao và dự báo nhiều biến động tới đây, Lọc dầu Nghi Sơn vận hành sản xuất ổn định sẽ đảm bảo nguồn cung cho thị trường tiêu dùng nội địa.
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nhà máy này do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Theo thoả thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Theo các tính toán trước đây, tập đoàn này cho biết có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ USD cho Nghi Sơn.
Nguồn: vnexpress.net