Hôm nay (20-11), Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận về dự án Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.
Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ (TP.HCM) được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ về hai dự án luật, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận nhiều vấn đề như có nên đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm, bỏ con dấu doanh nghiệp và quản lý hộ kinh doanh…
Từ một dự án luật được “gộp chung”, dự án Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đã được tách riêng trước khi trình ra tại kỳ họp thứ 8, cho thấy tầm quan trọng của hai dự án luật này đối với việc thúc đẩy, khơi dậy dòng vốn đầu tư chất lượng cao, phát triển doanh nghiệp làm hạt nhân thúc đẩy kinh tế…
Nói về Luật doanh nghiệp khi đã thi hành được 20 năm, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – cho rằng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn bị hạn chế bởi một số ngành, do vẫn áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được làm những gì mà Nhà nước cho phép. Tư duy này đã làm hạn chế việc mở ra mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ trong thời đại 4.0.
Với nhiều nội dung còn cần phải hoàn thiện như vấn đề giảm chi phí tuân thủ, đảm bảo đầu tư kinh doanh an toàn, tránh rủi ro cho doanh nghiệp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, tuân thủ các thông lệ quốc tế, ông Phan Đức Hiếu – viện phó Viện Cien, thành viên ban soạn thảo luật – nói mục tiêu sửa luật là hướng tới môi trường kinh doanh an toàn hơn, rẻ hơn; nâng cao quản trị doanh nghiệp…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đức Trung – trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) – cho biết điểm mới nhất là sửa đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước, nhưng các cơ chế quản lý, hành lang pháp luật lại không được đề cập để sửa đổi đồng bộ.
“Việc sửa đổi khái niệm còn liên quan đến quy định nhiều pháp luật khác gắn với từng loại doanh nghiệp. Song dự luật chỉ tập trung quản trị nội bộ, nên không triệt để. Để đồng bộ phải có rà soát sửa đổi pháp luật khác liên quan, đặc biệt là Luật 69 về quản lý sử dụng vốn nhà nước. Nếu chỉ quy định khái niệm mà không thay đổi trong quản lý, có thể có vướng mắc phát sinh mới” – ông Trung lo ngại.
Trong khi đó, GS Nguyễn Mại – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – cho rằng dự thảo luật cần phải lưu ý đến việc thu hút đầu tư dòng vốn chất lượng cao, những ngành mới như công nghiệp 4.0, dịch vụ hiện đại, fintech, robot, AI, R&D, đi nhanh vào công nghệ số, chính phủ điện tử.
Kèm theo đó, GS Mại cho rằng cần phải có chính sách ưu đãi cụ thể và phù hợp, thay vì chỉ là “bánh vẽ” nếu đưa ra những yêu cầu không thể thực hiện được.
Rõ ràng, để nâng cao chất lượng hai dự luật rất quan trọng tới nền kinh tế, cần phải đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn các vấn đề cốt lõi như nâng cao chất lượng dòng vốn thu hút FDI trong bối cảnh tình hình mới, nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có quyền đầu tư kinh doanh và quản lý hiệu quả hơn sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước…
Nguồn: tuoitre.vn