Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất kéo điện lưới từ Sóc Trăng ra Côn Đảo. Những ngày qua, có một số ý kiến đặt câu hỏi rằng, vì sao không dùng các loại hình năng lượng khác, tại chỗ mà phải kéo điện lưới từ đất liền ra đảo.
Đường điện chạy từ Bến Đầm về thị trấn Côn Đảo – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 20-3, cả lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Cục Năng lượng (Bộ Công thương) đều khẳng định, sau một quá trình dài nghiên cứu, đánh giá và xem xét, địa phương và ngành khẳng định để cung cấp điện cho Côn Đảo thì giải pháp tối ưu là kéo điện lưới quốc gia từ Sóc Trăng ra, bằng cáp ngầm.
Do đó, Thủ tướng đã đồng ý với dự án này và yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét cùng đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Văn Thọ (đứng) báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc ngày 20-3 – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ngày 24-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một lần nữa khẳng định như trên. Ông cho biết, với mục tiêu đảm bảo an ninh – quốc phòng đặt lên hàng đầu thì điện lưới đưa từ đất liền ra ổn định hơn nhiều so với các hình thức khác.
“Qua phân tích, đánh giá, so sánh ưu nhược điểm của các phương án cấp điện cho Côn Đảo thì giải pháp dùng cáp ngầm kéo điện lưới từ Sóc Trăng ra đáp ứng được yêu cầu ổn định, lâu dài, đảm bảo quốc phòng – an ninh và giảm thiểu sự tác động đến môi trường, sinh thái của Côn Đảo”, ông Thọ nói.
Ông Nguyễn Phước Thạnh, trưởng phòng quản lý Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lý giải cáp ngầm đưa điện ra Côn Đảo có cả đường điện thiết kế hai mạch, nguồn dự phòng nên ổn định. Trong khi đó, điện mặt trời chỉ có ban ngày.
“Đặc biệt, Côn Đảo không có đất, chủ yếu là đất rừng của vườn quốc gia nên không thể lắp pin mặt trời cho đủ nguồn cung. Chưa kể, việc xử lý pin mặt trời khi hết hạn sử dụng sẽ gây nguy hại cho môi trường của Côn Đảo”, ông Thạnh nói.
Với các loại hình năng lượng khác như điện gió, điện khí, Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trước đây đã có nhà đầu tư đến từ Na Uy để tìm hiểu đầu tư dự án điện khí LNG tại Côn Đảo nhưng do không hiệu quả nên đã rút và tỉnh thu hồi chủ trương.
Điện gió cũng không ổn định và không có hiệu quả cho nhà đầu tư. “Những nguồn điện từ mặt trời, từ gió chỉ có thể bổ sung thêm nguồn điện cho Côn Đảo mà thôi”, ông Nguyễn Văn Thọ nói.
Đường vào Nhà máy điện An Hội, Côn Đảo – chạy bằng diesel và phải bù lỗ hằng năm – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ở một góc độ khác, hiện Côn Đảo cần sự phát triển nhưng các nhà đầu tư đều mong chờ có điện ổn định mới triển khai đầu tư. Chưa kể, dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh, lượng du khách đến với Côn Đảo đã vượt quy hoạch.
Nhu cầu sử dụng điện ở đảo ngày càng tăng. Hiện hai nhà máy phát điện diesel ở Côn Đảo chỉ đạt công suất gần 12 MW, thiếu hụt khoảng 7 MW so với nhu cầu. Do đó, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn ở Côn Đảo phải tự đầu tư máy phát điện.
Vì những lý do trên, tháng 11-2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư tuyến cáp ngầm đưa điện từ Sóc Trăng ra Côn Đảo bằng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, EVN cũng trình Bộ Công thương phương án đầu tư cấp điện cho Côn Đảo bằng lưới điện quốc gia. Cuối tháng 12-2020, Bộ Công thương đã có văn bản trình Thủ tướng theo đề xuất của tỉnh này. Bộ Quốc phòng cũng có văn bản đồng ý với dự án này. Và tháng 3-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ trương này như đã nói ở trên.
Theo Công ty Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2015 – 2020, ngành điện đã phải bù lỗ cho Côn Đảo với số tiền 446 tỉ đồng.
Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo bắt đầu từ trạm 220kV ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng với 3km đường dây chạy trên bờ, 15km chạy trên biển cạn, 78km tuyến cáp ngầm xuyên biển, 4,5km đường dây 110kV đi trên đảo. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 4.800 tỉ đồng.
Nguồn: tuoitre.vn