Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong mì ăn liền

Bộ Công Thương khẳng định Việt Nam chưa ban hành quy định việc sử dụng ethylene oxide (EO) trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong mì ăn liền - Ảnh 1.

Quy định về chất EO có sự khác nhau ở mỗi quốc gia.

Tiêu chuẩn mỗi nước một kiểu

Trước đó, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) phát hiện thuốc bảo vệ thực vật ethylene oxide (EO) trong sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo (Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish) và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good (Good Spare Ribs Flavour Instant Noodle Dish) của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam; Liên minh châu Âu (EU) đã thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken – and beefspices”, nhà sản xuất: Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương.

Trong khi đó, thông tin mới đây được Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đưa ra về việc kiểm soát dư lượng chất này trong quá trình sản xuất thực phẩm khẳng định Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Cũng theo Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau. Quy định này có thể phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia, khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Với các quy định khác nhau, nên cơ quan quản lý của Bộ Công thương cho rằng mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác.

“Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu”, Vụ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị.

Trên thực tế, mặc dù một số quốc gia hay tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm, trong khi một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn, song nhiều cảnh báo liên quan đến chất này đã được đưa ra.

Cụ thể, theo dữ liệu trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF), các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Italy (28)…

“Không vi phạm quy định về chất cấm tại Việt Nam?”

Một chuyên gia thực phẩm làm việc tại một của công ty Nhật cho hay những cảnh báo thu hồi của cơ quan quản lý thực phẩm ở châu Âu như với mì Hảo Hảo hay miến Thương Hương thường theo lô sản phẩm.

Trong khi đó, quy định về hàm lượng EO trong sản phẩm thực phẩm ở mỗi nước là khác nhau, nên để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp hàng rào kỹ thuật về TBT (biện pháp TBT), các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (biện pháp SPS) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

Thực tiễn thương mại quốc tế gần đây, các vấn đề tranh chấp về TBT và SPS ngày càng được đưa ra nhiều hơn, hệ thống cảnh báo vi phạm, quyết định thu hồi, quyết định cấm nhập khẩu liên quan đến TBT và SPS cũng được ban hành nhiều hơn. 

Điều đó cho thấy, đây có thể coi là một cuộc chiến tương đối phức tạp và gay gắt giữa các nước, các doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu.

“Chẳng hạn như năm 2019, vụ tương ớt của một doanh nghiệp lớn Việt Nam đã bị Nhật Bản công bố thu hồi. Hay thời sự nhất là vụ việc mì, miến của hai doanh nghiệp trong nước bị một số quốc gia châu Âu công bố thu hồi một số lô sản phẩm do hàm lượng chất hàm lượng hợp chất EO vượt quá giới hạn dư lượng cho phép thep tiêu chuẩn của EU”, vị này dẫn chứng.

Việt Nam chưa có quy định về ethylene oxide trong mì ăn liền - Ảnh 2.

Sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo đang được bán trên thị trường và vẫn được người tiêu dùng sử dụng.

Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, EO là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Do đó, căn cứ để xác định việc sản xuất sản phẩm có vi phạm hay không trước hết phụ thuộc vào việc có đáp ứng quy định hiện hành hay không?

Thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, hiện cơ quan trực tiếp quản lý là Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, đã báo cáo tới bộ này và khẳng định các doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định hiện hành. Các doanh nghiệp cũng khẳng định các sản phẩm được sản xuất theo quy định của các quốc gia xuất khẩu sản phẩm, việc thu hồi sản phẩm được xảy ra ở một số lô sản phẩm tại một số nước.

Bộ Công thương khẳng định, theo quy định của Việt Nam, các doanh nghiệp được quyền công bố về chất lượng của họ. Còn các cơ quan theo thẩm quyền sẽ tiến hành hậu kiểm các sản phẩm. Vì thế cần thời gian để các cơ quan làm rõ vấn đề này.

Về vấn đề này, đại diện nhà sản xuất là ông Kajiwara Junich, Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam – Công ty sản xuất mì Hảo Hảo khẳng định, Acecook Việt Nam luôn coi trọng sự minh bạch, sự thật cũng như chất lượng của sản phẩm và sự an toàn của người tiêu dùng.

Ông Kajiwara Junichi cam kết, tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, không sử dụng ETO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu sản xuất-lưu trữ. Các nhà cung cấp nguyên liệu cũng khẳng định với Acecook Việt Nam rằng không sử dụng EO trong quy trình sản xuất.

Tuy vậy, như khẳng định của Bộ Công thương, quy định ngưỡng cụ thể về chất ethylene oxide giữa các quốc gia không giống nhau và hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể, nên các bộ ngành liên quan cần sớm tiến hành nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để có biện pháp quản lý phù hợp với thị trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trong báo cáo gửi Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho biết, từ đầu năm 2021, FSAI đã đăng trên website chính thức 56 cảnh báo thu hồi thực phẩm và đồ uống trên toàn lãnh thổ Ireland.

Trong đó, có 1 cảnh báo (ngày 20-8-2021) thu hồi một số sản phẩm mỳ ăn liền Hảo Hảo và miến ăn liền Good do ACECOOK Việt Nam sản xuất với sản phẩm có hạn sử dụng 24-9-2022 và miến Good cần thu hồi có thời hạn 10-11-2022.

Ông Cường khẳng định, cảnh báo nói trên không phải là một quyết định hành pháp mà chỉ là cảnh báo cấp độ 2 (Food alert caterogy 2 for information). Trong những trường hợp như vậy, nhà phân phối tại Ai-Len sẽ dừng bán và thông báo tại các điểm bán hàng về việc thu hồi sản phẩm đã bán.

Người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm đã mua và được hoàn lại tiền theo hóa đơn. Vì vậy, cảnh báo nói trên không có nghĩa là tất cả các sản phẩm mỳ Hảo Hảo và miến Good bị cấm bán hay buộc phải tiêu hủy tại Ireland.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: