Hải PhòngTrạm sạc dành cho xe điện đầu tiên tại cây xăng dầu được VinFast và PVOIL vận hành từ hôm nay.
Trạm sạc này được đặt tại cây xăng dầu PVOIL Cát Hải (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), gồm một trụ sạc nhanh 150 kW, 5 trụ sạc nhanh loại 60 kW cho khả năng sạc 12 xe cùng lúc.
Giống các trạm sạc xe điện khác được VinFast mở trước đây tại các toà nhà, trung tâm thương mại, trạm sạc xe điện tại cây xăng lần này đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu và đảm bảo an toàn về nguồn điện, phòng chống cháy nổ, chống rỏ rỉ điện, chống thấm nước…
Xe điện là xu thế chung đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Việc tích hợp trạm sạc cho xe điện tại các cây xăng, theo ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL, nhằm hiện thực hoá chiến lược với xu hướng thích ứng với chuyển dịch năng lượng, từ nhà cung cấp năng lượng truyền thống thành nhà cung cấp năng lượng đa dạng. “Tức là không chỉ xăng dầu, PVOIL sẽ phát triển thành nhà cung cấp năng lượng điện, hydro trong tương lai”, ông Dương chia sẻ.
Thực tế, chiến lược phát triển, chuyển đổi cây xăng truyền thống thành các trạm dịch vụ vừa cung cấp xăng dầu, vừa là trạm sạc cho xe điện từng được ông Dương chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông hồi tháng 4.
Trạm sạc điện đầu tiên của VinFast tại cây xăng mất gần 20 ngày thi công, lắp đặt. Theo ông Vũ Thắng, Giám đốc dự án trung tâm trạm sạc VinFast, giai đoạn 1 doanh nghiệp này sẽ lắp đặt trạm sạc ở gần 300 cửa hàng xăng dầu của PVOIL trên cả nước. Sau trạm sạc đầu tiên, các địa điểm còn lại sẽ được thi công, lắp đặt trong năm nay.
Kế hoạch năm nay, VinFast sẽ phát triển, lắp đặt 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc điện trên cả nước. Việc này nhằm hoàn thiện hạ tầng, mạng lưới trạm sạc – vốn được coi là một trong yếu tố ảnh hưởng tới quyết định chọn mua, “độ phủ” xe điện tại Việt Nam.
Để khuyến khích ôtô điện phát triển, từ tháng 3/2022 Chính phủ giảm loạt thuế, phí với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 3% trong 5 năm với ôtô điện dưới 9 chỗ, hay miễn phí trước bạ 3 năm…
Nhưng theo các chuyên gia, ưu đãi thuế cho xe điện là chưa đủ, Việt Nam cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho trạm sạc, cũng như chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất mảng hạ tầng này. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, đưa trạm sạc pin thành một hạng mục bắt buộc trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đô thị.
Bộ Công Thương đang được giao nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng các giải pháp, điều hành phát triển xe điện, nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn trong ngành này vào Việt Nam.
Nguồn: vnexpress.net