Nhu cầu cát sông phục vụ san lấp công trình cao tốc, công trình có vốn đầu tư từ ngân sách, công trình dân dụng… hơn 9 triệu m3. Trong khi nguồn cung chỉ đạt 3,7 triệu m3.
Một mỏ khai thác cát sông của Vĩnh Long nằm trên sông Hậu, đoạn giáp thị xã Bình Minh và TP Cần Thơ – Ảnh: CHÍ HẠNH
Ngày 21-4, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết theo dự báo nhu cầu, trong năm 2022 tỉnh sẽ thiếu hụt khoảng 5,5 triệu m3 cát sông dùng san lấp công trình.
Hiện tỉnh có 26 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực với tổng khối lượng cho phép khai thác 3,788 triệu m3/năm. Năm 2022, khối lượng cát cần cho các công trình có vốn ngân sách nhà nước 7,195 triệu m3, nhu cầu dân dụng khoảng 2,158 triệu m3. Tổng nhu cầu sử dụng cát trong toàn tỉnh khoảng 9,35 triệu m3.
“Dù chưa cập nhật nhu cầu cát san lấp ở dự án tuyến cao tốc, tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp trong tỉnh trúng thầu san lấp cho dự án này. Việc thiếu cát san lấp ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án, công trình và kinh phí xây dựng” – ông Nguyễn Văn Tuấn, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường nói.
Vĩnh Long nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có hệ thống sông lớn bao quanh, có trữ lượng cát sông lớn, tập trung ở các tuyến sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Bang Tra. Kết quả khảo sát cho thấy tỉnh này có 18 thân cát, tổng trữ lượng gần 130 triệu m3.
Hiện giá cát sông tại các mỏ khai thác tại Vĩnh Long cung cấp ra thị trường cho một số tỉnh lân cận có giá khoảng 230.000 đồng/m3. Trong khi giá xi măng các nhà máy cung cấp cho các đại lý ở miền Tây cũng tăng thêm 1.000 đồng/kg.
Cùng với đó, giá sắt thép liên tục tăng khiến rất nhiều công trình rơi vào cảnh khó khăn, chậm tiến độ và đội vốn lên cao.
Nguồn: tuoitre.vn