Trong khi các nhà đầu tư điện mặt trời đứng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mãi thì một số tiền khổng lồ bị ngành điện lực giữ lại, bất chấp việc vẫn đang lấy điện của nhà đầu tư bán lại cho người tiêu dùng.
Đã có hàng ngàn doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền lớn và bị ngân hàng đòi nợ (mỗi 1 MW điện mặt trời cần trên 10 tỉ đồng để đầu tư) thì một số tiền khổng lồ bị EVN ngưng thanh toán, dù vẫn lấy điện rồi bán cho người tiêu dùng – Ảnh: B.S.
Ngày 30-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thanh Toàn – giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương – cho biết sở đã nhận được “đơn kêu cứu” của các doanh nghiệp là nhà đầu tư điện mặt trời.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã có các bài viết phản ánh “Điện mặt trời bán hơn năm rồi giờ điện lực mới đòi ‘giấy xây dựng'” (ngày 27-5), “Điện mặt trời ‘kêu cứu’, vì sao?” (ngày 29-5)…
“Sở Công thương tỉnh Bình Dương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan gồm Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị và công ty điện lực để bàn bạc, có biện pháp tham mưu tới UBND tỉnh Bình Dương nhằm tháo gỡ những vướng mắc” – ông Toàn cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, thời gian vừa qua việc đầu tư về năng lượng mặt trời có đóng góp khá hiệu quả để ổn định nguồn điện cho các nhà máy sản xuất tại địa bàn, cũng như góp phần đẩy mạnh năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
Nếu chỉ tính riêng điện mặt trời mái nhà, tổng sản lượng tại Bình Dương đã lên tới trên 800 MW.
Trong khi đó, từ những vướng mắc trong thủ tục xây dựng, các hợp đồng mua bán điện dù đã triển khai được hơn một năm nhưng đột ngột bị các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm ngưng thanh toán và “dọa” cắt hợp đồng.
“Với mỗi MW điện mặt trời số tiền thanh toán ít nhất là 200 triệu đồng thì tổng số tiền mà ngành điện vẫn lấy của nhà đầu tư nhưng không thanh toán từ tháng 3-2022 đến nay có thể lên tới hàng trăm tới cả ngàn tỉ đồng.
Trong khi ngành điện bán lại cho người dân thu tiền ngay và “bỏ túi” số tiền khổng lồ thì nhiều nhà đầu tư bán điện cho EVN hiện “méo mặt” do không có tiền trả ngân hàng suốt nhiều tháng” – đại diện một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời cho biết.
Đại diện Công ty Điện lực tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản gửi tới Tổng công ty Điện lực Miền Nam báo cáo các phản hồi của nhà đầu tư, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc trong việc ngành điện yêu cầu nhà đầu tư điện mặt trời (bao gồm cả các hộ gia đình, cá nhân đầu tư tại nhà riêng và nhà đầu tư tại các nhà xưởng) phải bổ sung giấy phép kinh doanh, giấy tờ an toàn xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
Tại Đồng Nai, lãnh đạo UBND tỉnh đã có cuộc họp với các sở ngành và các huyện thị vào giữa tháng 5-2022. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Đồng Nai cũng chưa đưa ra được giải pháp để tháo gỡ cụ thể cho các dự án điện mặt trời đang bị ngưng thanh toán, mà sẽ tổng hợp vướng mắc để kiến nghị các cơ quan trung ương hướng dẫn.
Trong khi đó, một đại diện của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho hay một trong những vướng mắc hiện nay là do tính chất dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ, nên các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường… sẽ do địa phương quản lý và mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu riêng trong các quy định này.
Do vậy, Bộ Công thương chỉ có thể hướng dẫn chung về việc yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định của pháp luật về các loại giấy phép này, còn việc thực hiện ra sao phải trên cơ sở nhà đầu tư chủ động tìm hiểu quy định của địa phương để đáp ứng.
Nguồn: tuoitre.vn