Dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhiều đợt nhưng giá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm, ngay cả cơm, bún, phở… sau khi tăng theo giá xăng vẫn không giảm, thậm chí giá còn tăng.
Khuyến mãi tại một siêu thị ở TP Thủ Đức – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều doanh nghiệp tăng giá hàng hóa lý giải do xăng dầu chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành, nhưng thừa nhận có tình trạng “tát nước theo mưa”, “tăng rồi, khó giảm” từ người bán. Mới đây Chính phủ yêu cầu “kìm giá cả”, nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp mạnh, đồng bộ.
Giá không giảm mà còn tăng
Bà Phạm Dung (quận 7, TP.HCM) cho biết ngay đầu tháng 8, giá thịt heo của thương hiệu G. mà gia đình bà hay sử dụng tăng thêm 10%. Giá sườn non đã nhảy lên 244.000 đồng/kg, ba rọi lên 189.000 đồng/kg, nạc dăm 175.000 đồng/kg… mức giá mới này đều tăng từ 14.000 – 16.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 vừa qua.
“Ngay như trứng gà tháng trước còn ở mức 26.000 – 27.000 đồng/chục thì giờ đã lên 36.000 đồng, trứng vịt 41.000 đồng/chục, chỉ mỗi tiền ăn thôi cũng hết sức chóng mặt”, bà Dung than.
Nhiều hàng quán cũng giữ giá bán cao. Tại quán cơm Liên (đường Chu Văn An, Bình Thạnh), trước đó khi giá xăng dầu tăng cao, mỗi dĩa cơm tăng 5.000 – 6.000 đồng nhưng nay khi giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá cơm không giảm, vẫn 35.000 – 40.000 đồng/dĩa.
Nhiều tháng không ăn tại quán hủ tiếu vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), nay chị Nguyễn Thị Chung bất ngờ khi nghe báo giá 30.000 đồng/tô. Theo chị Chung, năm ngoái một tô hủ tiếu chỉ 22.000 đồng, chỉ hơn nửa năm mà giá đã tăng gần 30%.
Theo ghi nhận, giá dầu ăn bán lẻ tại thị trường TP.HCM hiện 60.000 – 120.000 đồng/lít tùy loại, và nhiều người bán xác nhận thời gian qua “giá chỉ tăng chứ không giảm”.
Tương tự, giá thịt gà công nghiệp được bán lẻ neo cao với 60.000 – 110.000 đồng/kg; bia phổ biến 250.000 – 400.000 đồng/thùng, tăng 50.000 – 75.000 đồng so với hơn một năm trước đó.
Ông Trần Quốc Thịnh, người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận), cho biết vừa tăng 30.000 – 70.000 đồng/món đối với các món chính như lẩu, nướng.
Ông Thịnh cho biết đã gồng mình chịu lỗ trong nhiều tháng qua vì chấp nhận không tăng giá bán để đồng hành với khách, nhưng đến nay đã gồng hết nổi.
“Tôi tính toán nhiều mới đi đến quyết định tăng giá sau thời gian dài chấp nhận giữ giá, chịu lỗ. Tuy nhiên, mức tăng trên còn thấp so với mặt bằng giá chung”, ông Thịnh khẳng định.
Xe tải bốc dỡ hàng hóa tại một siêu thị ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tương tự, ông Hồ Ngọc Văn, chủ một nhà hàng, cho biết giá lao động tăng lên 25.000 đồng/tiếng, hầu hết mặt bằng tái ký trong năm nay đã bị chủ nhà tăng giá cho thuê 10 – 15%.
“Giá xăng chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành của đơn vị, trong khi mọi thứ đầu vào khác đều tăng giá nên không thể giảm giá bán khi giá xăng giảm”, ông Văn lý giải.
Lý giải giá heo hơi đang giảm mạnh nhưng doanh nghiệp tăng giá bán lẻ, đại diện Vissan nói rằng tháng trước giá heo hơi tăng nóng, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn được TP.HCM cho tăng giá bán thịt heo. Nay giá heo quay đầu giảm mạnh nhưng thực tế đơn vị vẫn chưa có lãi.
Trong khi đó, giá cước vận tải vẫn “im ru” dù giá xăng đã giảm nhiều lần. Giá cước đi lại và giao hàng của các app xe công nghệ vẫn không thấy giảm. Hỏi lý do chưa giảm cước vận tải, một doanh nghiệp cho hay vẫn đang tiếp tục “nghe ngóng” vì lo nếu “thắt lưng buộc bụng” giảm giá vận tải thì đợt tới giá xăng tăng lại thì không biết tính sao!
Giá khảo sát tại TP.HCM, lấy theo giá phổ biến – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Doanh nghiệp chờ nhau
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM), cho rằng giá thịt, trứng neo cao chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 50% so với hơn một năm trước.
Do đó để ổn định giá bán trứng, thịt, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ như miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đa dạng nguồn cung nguyên liệu để tìm giải pháp giảm giá cước vận tải.
“Xăng dầu tác động trực tiếp tới vận chuyển nên đây là khâu cần phải giảm giá ngay. Nếu giá cước giảm sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp sản xuất, từ đó đưa ra giá bán hàng hóa tốt hơn”, ông Thiện nhận định.
Ông Trương Tiến Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM, cho biết do tác động lớn nhất từ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu giảm vừa qua là chặn được đà tăng giá chung trên thị trường, muốn những đợt giảm giá hàng hóa cần có độ trễ.
“Sản xuất hàng hóa là một chuỗi cung ứng khép kín liên tục. Do đó để thị trường có những đợt giảm giá hàng hóa cần có sự quyết tâm vào cuộc của cơ quan quản lý, tác động giá hàng hóa nguyên liệu sản xuất vốn là một trong những lý do làm giá hàng hóa tăng cao”, ông Dũng nói.
“Cần sự quyết tâm từ điều chỉnh vĩ mô. Chúng tôi đang chờ đợi các doanh nghiệp vận tải, logistics thông báo giảm giá để có cơ sở giảm giá các sản phẩm”, đại diện Hiệp hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM cho biết.
Giá trứng gà phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu chăn nuôi thức ăn – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một số doanh nghiệp cho hay không dễ giảm giá vì nhiều chi phí khác tăng, từ nhân công đến chi phí nguyên vật liệu, không phải cái nào cũng giảm khi giá xăng dầu giảm. Ai cũng muốn giá thành thấp đi, giá giảm để tăng bán hàng. Nhưng khi chi phí đầu vào giảm doanh nghiệp mới có thể giảm giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi giá nguyên liệu, nhiên liệu giảm thì doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải tính toán giảm, bởi nếu không giảm giá sản phẩm là thiếu sự chia sẻ với người tiêu dùng.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng việc kiểm soát giá lúc này là còn để giữ ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, khi tiêu dùng tăng lên sẽ kéo theo giá hàng hóa đi lên, tạo áp lực lạm phát tăng cao.
“Để hạn chế được tác động tiêu cực của việc leo thang giá cả cũng như giá xăng dầu, bao giờ cũng vậy phải có những can thiệp điều chỉnh dưới góc độ chính sách, và việc làm này cần phải quyết liệt”, ông Thành nói.
Khuyến mãi để duy trì sức mua
Bà Dương Mai (tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết giá thịt heo những ngày qua giảm 4.000 đồng/ kg các loại – Ảnh: N.PHƯỢNG
Ngoài đề nghị nhà cung cấp giảm giá bán, nhiều siêu thị như MM Mega Market, Lotte Mart… đang chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng khoảng 20 – 30% số lượng các chương trình khuyến mãi, hạn mức khuyến mãi cũng nhiều hơn so với năm ngoái, đặc biệt khuyến mãi nhiều với các mặt hàng giá tăng nóng như dầu ăn, gia vị…
Các siêu thị cho biết việc tăng khuyến mãi là nhờ liên tục làm việc với nhà cung cấp để đưa ra mức giá tốt, trường hợp giá tăng quá cao, siêu thị sẽ ngưng lấy hàng hoặc lấy nguồn khác giá tốt hơn để thay thế. Ngoài ra, siêu thị chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng các khuyến mãi nhằm duy trì sức mua.
Chấp nhận giảm lợi nhuận để giảm giá
Ông Ngô Hoàng Minh, đại diện một đơn vị sản xuất dầu ăn tại Bình Dương, cho biết sau thời gian tăng giá mạnh, đơn vị dự kiến sẽ giảm 5 – 8% giá dầu đậu nành.
Theo ông Minh, việc giảm giá bán là nhờ đã tìm được nhiều giải pháp để tinh giảm chi phí sản xuất, giá vận tải giảm dần, và tìm được nguyên liệu có giá tốt hơn. Tuy nhiên, cái chính là đơn vị chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí bù lỗ để duy trì thị phần.
“Nếu giá bán tăng nóng thì chắc chắn khách hàng sẽ chuyển qua chọn các sản phẩm khác có giá tốt hơn, doanh nghiệp sẽ bị giảm mạnh thị phần. Đơn vị xác định đi đường dài nên cố gắng kìm giá”, ông Minh khẳng định.
Nguồn: tuoitre.vn