Nông dân Đồng Tháp đang bước vào đợt thu hoạch xoài chính vụ, tuy nhiên giá xoài hiện thấp kỷ lục, thua lỗ khoảng 5.000đ/kg làm nhiều nhà vườn lo lắng không biết có nên đầu tư tiếp tục hay tạm thời bỏ vườn.
Xoài cát chu được thương lái thu mua tại vườn giá 8.000đ/kg tại huyện Cao Lãnh sáng 21-4 – Ảnh: TỐNG DOANH
Ông Nguyễn Văn Mách – ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp – cho biết ông trồng 12 công chủ yếu là xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc. Vừa rồi ông thu hoạch khoảng 25 tấn, trung bình 4.000đ/kg, thua lỗ gần 80 triệu đồng.
“Trong khi giá vốn đã gần 8.000đ/kg gồm thuê nhân công phun xịt, bao xoài, hái xoài, lột bao xoài, xếp bao xoài… ước tiền nhân công gần 60 triệu đồng. Do năm nay xoài thuận mùa, số lượng quá nhiều, nếu trồng rải vụ giãn số lượng ra giá cả cao hơn”, ông Mách cho hay.
Còn ông Đoàn Thanh Hiền, ngụ xã Mỹ Xương, than thở vụ trước do dịch, giá thấp còn trông chờ vào vụ này, nhưng cũng không mấy khởi sắc dù đã gần cuối vụ. 17 công xoài của ông đầu tư chi phí nhân công và vật tư hữu cơ đạt chuẩn trên 200 triệu đồng.
“Tôi còn khoảng 2 tấn xoài cát Hòa Lộc chờ “vớt vát” cuối vụ. Xoài tượng xanh thì để tới rụng đầy vườn, đem cho cá ăn, thương lái không mua. Các năm trước xoài cát Hòa Lộc giá luôn ổn định mức 80.000đ/kg, hợp tác xã bao tiêu giá 90.000đ/kg. Vụ này hợp tác xã không “ngó” tới, nông dân tụi tui xoay xở từ lỗ tới lỗ”, ông Hiền nói.
Ông Trần Văn Trạng – chủ tịch HĐQT Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, TP Cao Lãnh – xác nhận bước vào đầu tháng 3 âm lịch (tháng 4 dương lịch) giá xoài giảm thê thảm. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc hạn chế tiếp nhận nông sản xoài và rau củ quả khác, trong khi 80% lượng xoài xuất đi thị trường này.
“Hiện đã vào cuối vụ thu hoạch xoài, nhưng giá vẫn không “nhích” lên và dự kiến vụ sau giá cả vẫn không thay đổi nhiều. Vừa rồi, tính bình quân bà con nông dân thua lỗ 5.000đ/kg. Vì vậy nông dân nên cân nhắc có kế hoạch trồng rải vụ, tránh tình trạng ùn ứ số lượng lớn như hiện nay”, ông Trạng nói.
Theo ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, điểm nghẽn ở đây là về chính sách và cơ chế chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế. Sở sẽ đề xuất ý kiến với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về chính sách phát triển nông nghiệp, cũng như sản xuất chế biến, tạo lợi thế thu hút đầu tư.
Trước mắt, ngành chức năng sẽ cảnh báo cho nông dân về giống xoài tượng xanh Đài Loan, nhược điểm của loại xoài này là không sấy được, cũng không chế biến được. Thực hiện rải vụ và chuyển đổi dần sang trồng xoài cát chu, cát Hòa Lộc để dễ chế biến và cấp đông dự trữ.
Muốn làm được điều này phải có sự thống nhất của nông dân cùng chuyển đổi với ngành nông nghiệp địa phương thông qua các buổi hội thảo để lấy ý kiến. Việc chuyển đổi thực hiện dần dần, giảm mật độ khoảng 30%, để khi phía Trung Quốc nhập trở lại mình vẫn có nguồn hàng, lộ trình từ 1,5-2 năm sẽ hoàn tất việc chuyển đổi.
“Chúng tôi đang từng bước để doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý đảm bảo chất lượng cho trái xoài đi sang các thị trường khó tính. Đồng thời xây dựng lại quy chế quản lý mã số vùng trồng, tránh việc gian lận làm giả thương hiệu, ảnh hưởng uy tín chất lượng của xoài Đồng Tháp. Đảm bảo làm sao trái xoài đến tay người tiêu dùng phải có giá trị giống như kỳ vọng của người nông dân”, ông Điền nói.
Nguồn: tuoitre.vn